Kinh tế Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2018
Chiều 7/12, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2018” do Câu lạc bộ CEO Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, các chuyên gia nhận định, với những kết quả đạt được trong năm 2017, kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực cải thiện cơ chế chính sách, thủ tục hành chính… đã góp phần tăng xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh.
+ Đảm bảo mục tiêu
Theo ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, tính đến thời điểm này, nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm 2017. Kết quả này là nhờ nền kinh tế đã đảm bảo được nhiều yếu tố vĩ mô, góp phần tạo sự ổn định hơn. Bên cạnh đó, 13 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2017 cũng đạt được như các vấn đề ban hành cơ chế chính sách mới phù hợp hơn với diễn biến nền kinh tế; trong đó có 3 đột phá là nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng và hoàn thiện cơ chế chính sách kinh tế thị trường.
Mặt khác, năm 2017, nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao, đảm bảo tính phát triển bền vững của nền kinh tế như công nghiệp, du lịch, xuất khẩu… Đặc biệt, xuất khẩu có nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng trưởng cao như rau củ quả, thuỷ hải sản… cho thấy sự chuyển dịch hoạt động xuất khẩu theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bước sang năm 2018, theo ông Nguyễn Đức Kiên, xuất khẩu sẽ được định hướng phát triển những mặt hàng có công nghệ trung bình và cao, đổi mới sáng tạo, chế biến sâu…; tiếp tục cải cách công tác quản lý hành chính, rà soát những danh mục hàng hoá hạn chế và cấm xuất khẩu. Nỗ lực đa dạng hoá thị trường, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phòng vệ thương mại cho thị trường nội địa, đồng thời kết nối nhà phân phối với nông dân sẽ hạn chế tình trạng “giải cứu” nông sản như thời gian qua. Bên cạnh đó, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được tập trung triển khai; thông qua sửa đổi một số luật như luật đầu tư, chuyên ngành, đấu thầu, xây dựng… để phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.
Năm 2018, dự kiến kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sẽ thông qua Luật về khu hành chính kinh tế đặc biệt, hình thành tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Luật đặc khu này được kỳ vọng tạo điều kiện cởi mở tối đa, đảm bảo tính liên thông; cùng đó là các nghị quyết có tính chất đặc thù.. giúp cho nhà đầu tư chiến lược yên tâm và đảm bảo hàng rào pháp lý thông thoáng nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kết thúc năm 2017, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết ngay trong năm 2018 và thời gian tiếp theo. Đơn cử như, sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, còn nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế chung. Nguồn vốn đầu tư công giải ngân chậm cũng là một trong những yếu tố khiến Việt Nam bị đánh giá phát triển dưới tiềm năng của mình. Doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ chưa cải thiện được khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nói riêng, sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn là vấn đề cần quan tâm cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.
+ Tận dụng đà tăng trưởng
Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2017 và thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2018, ông Sebastian Eckardt – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực đã thành công như điện, tín dụng, thuế, xuất khẩu… Tuy nhiên, nếu phát triển kinh tế dựa trên tăng trưởng tín dụng rất rủi ro về nợ xấu, áp lực về mặt tài chính cần được giải quyết và điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Sebastian Eckardt, hiện tại đầu tư công tại Việt Nam vẫn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, cản trở dòng tiền vào các lĩnh vực đầu tư khác. Bên cạnh đó, nền kinh tế hướng vào xuất khẩu với 80% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực sản xuất, nhưng điều bất lợi là FDI chiếm tỷ lệ cao nên về lâu dài cần thay đổi thực trạng này. Tận dụng nguồn vốn FDI cần tránh phụ thuộc mà phải tạo được sự liên kết nguồn lực lao động và doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.
Còn theo các doanh nghiệp, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế việc điều hành chính sách tiền tệ phải linh hoạt và phù hợp với diễn biến thị thường; các cơ quan liên quan phải đồng hành với Ngân hàng Nhà nước trong điều chỉnh và tăng trưởng ổn định tín dụng; không bơm tiền ra thị trường ồ ạt dẫn đến tình trạng không hấp thụ được. Ngoài ra, khi cung cấp nguồn vốn phải cân nhắc khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và sử dụng hiệu quả; đồng thời không điều chỉnh tỷ giá đột ngột, gây sốc cho thị trường. Về chính sách Tài chính-Ngân sách Nhà nước, dự toán và thu chi ngân sách cần tuân thủ đúng mục tiêu ngân sách 2018 đã được thông qua và hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhận diện và đẩy nhanh tốc độ giải quyết các thách thức đối với tăng trưởng nền kinh tế về năng suất lao động, đầu tư chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng phát triển chậm… Việt Nam có 65% dân số dưới 35 tuổi và cần tận dụng được lực lượng lao động này để phát triển kinh tế trước khi dân số già đi. Hoạt động đầu tư cũng đang có những tín hiệu chậm lại ở một số ngành, tính hấp dẫn của nền kinh tế đối với các nhà đầu tư không còn như trước. Trong khi đó, muốn thu hút đầu tư hay dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất lại đòi hỏi cơ sở hạ tầng tốt, logistic…
Tại Việt Nam, ngày càng xuất hiện nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có hơn, mức thu nhập bình quân của người dân tăng… Do đó, thúc đẩy khả năng mua sắm, tiêu dùng nội địa tăng theo là giải pháp nên được tính đến. Dự báo trong năm 2018 và những năm tới, xu hướng này vẫn tăng sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa.
Nguồn Sưu tầm
Xem thêm dự án