Giá đất công nghiệp sẽ tiếp tục leo thang năm 2021

Các khu công nghiệp tăng trưởng giá thuê lẫn tỷ lệ lấp đầy suốt mùa dịch sẽ tiếp tục bứt phá mạnh trong 12 tháng tới, theo chuyên gia.

Là loại hình bất động sản duy nhất có các chỉ số tăng trưởng nóng xuyên suốt năm 2020, thị trường các khu công nghiệp, nhà xưởng, kho bãi cho thuê tiếp tục được xếp vào ngành có chỉ số lạc quan cao nhất năm 2021.

JLL Việt Nam cho biết, bất động sản công nghiệp đang tăng trưởng nóng nhất trong vài thập kỷ qua khi vẫn hút đầu tư xuyên suốt mùa dịch. Năm 2020, giá chào thuê đất công nghiệp đã tăng trung bình 7,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Và nhiều khả năng, đà tăng giá này trong 12 tháng tới sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2020. Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, bất động sản công nghiệp đang ở chu kỳ tăng giá nhanh.

Đồng quan điểm, SSI cũng dự báo giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn tiếp tục leo thang trong năm nay. Theo đó, giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 7-8% tại khu vực phía Nam và 5-6% tại khu vực phía Bắc. Theo SSI, một lợi thế rất lớn của Việt Nam là giá cho thuê đất khu công nghiệp thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Cụ thể là thấp hơn khoảng 25-30% so với Indonesia và Thái Lan – các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI.

SSI xác nhận, nhu cầu thuê đất tăng mạnh do việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây và Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng này. Việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn có khả năng tăng tốc thời kỳ hậu Covid.

Theo Colliers International, giá thuê trung bình của bất động sản công nghiệp TP HCM cao nhất cả nước, ở mức 160 USD mỗi m2 theo kỳ hạn thuê. Trong số các địa phương phía Nam, Long An đang là tỉnh thu hút đầu tư FDI khá ấn tượng, bao gồm 1.079 dự án và mức vốn 6,6 tỷ USD (số liệu tháng 12/2020) và đang nổi lên như là đối thủ của TP HCM trong phân khúc bất động sản công nghiệp.

Ông Chí Vũ, Trưởng Bộ phận môi giới dịch vụ Khu công nghiệp Colliers International đánh giá, bất động sản công nghiệp là phân khúc hiếm hoi vẫn phát triển sôi động bất chấp đại dịch. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2021 khi Việt Nam liên tiếp có những tín hiệu vĩ mô tích cực. Việc hướng đến các mô hình quản trị thông minh hơn, tối ưu hóa nguồn lực hơn và góp phần đắc lực vào việc bảo vệ môi trường nên là ưu tiên của các nhà phát triển khu công nghiệp trong thời gian tới.

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng nhận định, bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục có tiềm năng phát triển mạnh trong năm 2021 nhờ vào chủ trương và chỉ đạo của Chính Phủ trong việc mở rộng các khu công nghiệp để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

Theo đánh giá của Savills, có 6 điểm sáng hỗ trợ cho sự bùng nổ của bất động sản công nghiệp trong thời gian tới. Thứ nhất, tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân năng động đang phát triển mạnh mẽ. Thứ hai, môi trường kinh doanh bền vững, chính trị ổn định. Thứ ba, Chính phủ tiếp tục duy trì các khoản chi tiêu để ngăn chặn dịch bệnh.

Thứ tư, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm và thúc đẩy nhanh. Thứ năm, các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ phát huy tác dụng tích cực. Ví dụ: EVFTA hứa hẹn cải thiện khả năng tiếp cận thị trường khi đất nước phục hồi sau dịch. Thứ sáu, Việt Nam có vị thế tốt để phục hồi và phát triển thịnh vượng sau Covid-19. Chẳng hạn như Covid-19 đẩy nhanh làn sóng di dời khỏi Trung Quốc.

Theo Vnexpress.

Có thể bạn quan tâm:

Bất động sản công nghiệp sẽ bùng nổ

Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời kỳ Covid-19 và động lực phát triển thị trường bất động sản (BĐS) khu vực phía Nam” và lễ ra mắt “Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư BĐS khu vực phía Nam (CRIPS)”, diễn ra vào ngày 21-1, tại TP HCM.


PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho hay dự báo trong năm 2021, Việt Nam sẽ thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài, gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản. Dù vậy, Việt Nam cần chọn lọc dòng vốn này để đem lại hiệu quả cao nhất. “Xu thế bùng nổ của bất động sản công nghiệp và đô thị hóa trong thời gian tới sẽ thu hút dòng vốn FDI, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có sức hút rất lớn” – PGS-TS Trần Đình Thiên nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế – TS Võ Trí Thành nhận định dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang gắn với quá trình đô thị hóa, dịch chuyển dân cư, hạ tầng, sự đột phá phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương. Trong xu hướng này, không chỉ bất động sản công nghiệp mà nhiều phân khúc khác cũng sẽ được thúc đẩy phát triển.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết UBND TP vừa phê duyệt đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2030” để tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người thu nhập thấp, người nhập cư.

Với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM đã tác động mạnh mẽ lên thị trường bất động sản TP và các khu vực lân cận, cũng là động lực mới cho thị trường. Trong thời gian tới, Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp tục xác định việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân trên địa bàn là một nhiệm vụ quan trọng.

Thị trường BĐS vừa qua đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề minh bạch thông tin giao dịch, pháp lý… Các doanh nghiệp (DN) bất động sản vừa và nhỏ thiếu sân chơi và thông tin kết nối, giao thương. Do đó, Hiệp hội DN nhỏ và vừa khu vực phía Nam đã thành lập CRIPS với mong muốn là nhịp cầu giữa các DN với cơ quan, ban ngành, đồng thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý, truyền thông, tập trung vào các lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ BĐS, thi công công trình…

Theo nld.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

Bùng nổ các khu công nghiệp ven biển

Hiện nay, nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm. Trong khi đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển đang có nhu cầu đầu tư rất lớn, đồng thời duy trì được mức giá và tỉ lệ lấp đầy vượt trội, theo ghi nhận của CBRE Việt Nam.

Sức hút từ các khu công nghiệp ven biển

Số liệu của CBRE cho thấy, tính đến quý 3/2020, tổng diện tích đất của các khu công nghiệp tại 5 tỉnh thành phố công nghiệp chính miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đạt 13.800 hécta, với 9.600 hécta đất công nghiệp cho thuê.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình của khu công nghiệp duy trì ở mức 79%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%.

Đối với thị trường miền Nam, tổng diện tích đất công nghiệp gấp đôi thị trường miền Bắc, đạt mức khoảng 38.000 hécta, trong đó 24.000 hécta đất công nghiệp cho thuê bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu với mức tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 77%.

Tuy nhiên, CBRE ghi nhận nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm.

Đơn vị này cho rằng, Việt Nam đã rút ra được các bài học kinh nghiệm từ hơn 30 năm phát triển công nghiệp tại các tỉnh ven biển của các nước láng giềng như Trung Quốc và Thái Lan. Các ngành chính được ưu tiên thu hút đầu tư tại hai quốc gia này phải kể đến như hóa chất thô, dược phẩm, máy móc, phụ trợ ô tô và điện tử.

Ngoài ra, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển luôn có nhu cầu đầu tư rất lớn và duy trì được mức giá và tỉ lệ lấp đầy vượt trội.

“Các khu vực ven biển của Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến xu hướng tương tự, đón nhận thêm nhiều như cầu đầu tư từ cả doanh nghiêp trong nước mở rộng sản xuất lẫn các tập đoàn đa quốc gia”, đại diện CBRE dự báo.

Cũng theo xu thế này, các tỉnh ven biển Việt Nam đã và đang tận dụng những tiềm lực sẵn có để phát triển nền công nghiệp. So sánh với quỹ đất tại các tỉnh phía bắc thì Hải Phòng và Quảng Ninh còn nhiều quỹ đất phát triển công nghiệp hơn cả.

Trong đó, Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam với các dự án công nghiệp trọng điểm như DEEP C Hải Phòng II và III và các khu công nghiệp mới của Vinhomes.

Tính đến quý 3/2020, Hải Phòng hiện có mức lấp đầy trung bình khoảng 56%. Quảng Ninh gần đây nổi lên như một tỉnh công nghiệp ven biển. Tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ cung cấp thêm một lượng lớn quỹ đất công nghiệp trong tương lai, với hai Khu Kinh Tế (KKT) Quảng Yên và Vân Đồn, trong đó KKT ven biển Quảng Yên được định hướng trở thành động lực tăng trưởng mới thúc đẩy hút đầu tư cho Quảng Ninh. DEEP C, một trong những chủ đầu tư khu công nghiệp lớn đang xây dựng tổ hợp khu công nghiệp gắn liền với cảng biển tại KKT Quảng Yên để khai thác lợi thế địa lý và tận dụng luồng hàng hải đến cảng Lạch Huyện.

Chờ đợi chính sách của Mỹ

Theo CBRE, dịch bệnh Covid và căng thẳng thương mại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút các nhà đầu tư của các công ty có dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, xu hướng này đang bị gián đoạn do cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ, chính quyền Biden dự kiến sẽ có những thay đổi mạnh về chính sách kinh tế, như giảm căng thẳng với Trung Quốc và tái gia nhập CPTPP.

Đơn vị này cho biết, qua trao đổi với một số các công ty quan tâm đến việc dịch chuyển sang Việt Nam, các nhà đầu tư nói rằng “đang chờ đợi để xác định chính sách của Mỹ dưới thời tân tổng thống để có các bước đi phù hợp”.

Theo quan sát của CBRE, sự phát triển mạnh của thương mại điện tử và công ty logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đã tạo nên nhu cầu lớn về không gian lưu trữ và mạng lưới phân phối. Do đó, nhu cầu tìm quỹ đất để phát triển các cơ sở logistics đang chiếm lĩnh thị trường.

Kể từ cuối năm 2018, thị trường đã đón nhận nhiều nhà đầu tư ngoại trong phát triển kho logistics như BW Industrial, Logis Valley, LOGOS và GLP gia nhập thị trường. Mapletree – một trong những nhà đầu tư tiên phong trong xây dựng kho cho thuê từ Singapore – cũng đang ráo riết mở rộng quỹ đất.

Kể từ năm 2021, thị trường dự đoán sẽ đón nhận khoảng 800.000 m2 nguồn cung nhà kho cho thuê, tập trung chủ yếu tại các khu vực Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Đặc biệt, điện tử và ngành công nghiệp phụ trợ/chế tạo ô tô được coi là ngành mũi nhọn trong thu hút đầu tư. CBRE ghi nhận sự gia nhập của nhiều khách thuê lớn trong lĩnh vực điện tử, bao gồm doanh nghiệp sản xuất điện thoại ở một KCN tại Bắc Ninh (100ha) và Universal Scientific Industrial ở KCN DEEP C Hải Phòng I, Wistron tại Hà Nam. Cũng giống Thái Lan, Việt Nam được coi là điểm sáng trong thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ ô tô.

CBRE cũng ghi nhận số lượng lớn các nhu cầu và các giao dịch ký hợp đồng mua đất, thuê nhà xưởng đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản đến từ ngành công nghiệp phụ trợ/ chế tạo ô tô.

Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:

Bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục bùng nổ năm 2021

Khu Công nghiệp Nam Pleiku phấn đấu khởi công hết hạng mục vào năm 2021

Đây là khẳng định của ông Trần Ngọc Lộc – Giám đốc Chi nhánh KCN VRG Gia Lai.

Ký kết thỏa thuận đặt cọc giữa lãnh đạo Công ty Vương Đình và Chi nhánh KCN VRG Gia Lai.

Triển vọng từ những thỏa thuận đặt cọc

Khu công nghiệp (KCN) Nam Pleiku được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1118/QĐ-TTg, ngày 3/9/2019, nhưng đến nay mới khởi công những hạng mục đầu tiên. Lý do được lãnh đạo Chi nhánh KCN VRG Gia Lai đưa ra là còn nhiều vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý.

Đến nay, sau gần một năm giải quyết các thủ tục pháp lý, đầu tháng 8/2020 KCN Nam Pleiku đã có những biên bản thỏa thuận đặt cọc đầu tiên cam kết đầu tư lâu dài vào KCN này. Tiêu biểu trong số những nhà đầu tư tiềm năng là Công ty TNHH Đầu tư Vương Đình, ngành nghề chính là chế biến nông sản, cà phê, sản xuất máy nông nghiệp và phân bón với tổng diện tích thuê 30 ha; Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thuê 17 ha; Công ty CP Cảng Quy Nhơn 10 ha; Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tam Ba thuê 8 ha để xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột…

Những hạng mục đầu tiên của KCN VRG Gia Lai đã được khởi công vào đầu tháng 8/2020.

Sự cam kết của 6 nhà đầu tư bằng những thỏa thuận đặt cọc vào ngày 7/8/2020 vừa qua là cơ sở rất quan trọng để chủ đầu tư tiến hành khởi công những hạng mục đầu tiên trong năm nay.

Triển khai xây dựng hạ tầng theo tiến độ xây dựng của nhà đầu tư

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Gia Lai và VRG về việc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, trong thời gian qua, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (chủ đầu tư) đã chỉ đạo Chi nhánh KCN VRG Gia Lai nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý để sớm đưa dự án vào khai thác.

Đến nay, các hạng mục hạ tầng đầu tiên của KCN đã được triển khai. Đó là hạng mục rà phá bom mìn và vật liệu nổ; Hệ thống thoát nước D1, D2, D5 với tổng chiều dài 1.061m từ trục đường Quốc lộ 14 vào KCN; Một số đoạn đường chính của KCN cũng đã hoàn thành việc đắp đất và lu nền; Toàn bộ mương thoát nước mưa; Hệ thống xử lý nước thải cũng đang được gấp rút hoàn thành để kịp tiến độ xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhà xưởng và kho bãi của các nhà đầu tư.

Đường 60m – Một trong những hạng mục đầu tiên của KCN VRG Gia Lai đã được khởi công vào đầu tháng 8/2020.

Ông Trần Ngọc Lộc – Giám đốc Chi nhánh KCN VRG Gia Lai cho hay: “Các hệ thống như đường giao thông nhánh; San nền; Đường ống dẫn nước thải; Hệ thống chiếu sáng; Hệ thống thông tin liên lạc và Hệ thống cấp điện công nghiệp sẽ được thi công trong tháng 9/2020”.

Mặc dù vậy, ông Lộc cũng đề nghị với lãnh đạo VRG, cần tiếp tục làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, đó là được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất nhằm thu hút nhà đầu tư; Sớm triển khai việc đấu nối giao thông của KCN vào đường Hồ Chí Minh và nhất là đề nghị lãnh đạo tỉnh cho phép triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng song song với tiến độ xây dựng của các nhà đầu tư.

Phát biểu tại buổi lễ thỏa thuận đặt cọc với Công ty Vương Đình và các nhà đầu tư khác, ông Phạm Duy Muôn – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê bày tỏ: “Chúng tôi rất kỳ vọng KCN Nam Pleiku sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên địa bàn, trong khu vực và trong cả nước. KCN Nam Pleiku đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn lao động vào làm việc, nhất là lao động đồng bào dân tộc số không chỉ ở huyện Chư Sê, Chư Prông mà cả các huyện, thị lân cận góp phần đem lại lợi nhuận cũng như đóng góp lớn vào ngân sách của địa phương”.

Tin bài liên quan:

Đề xuất giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái có thời hạn 3 năm

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của người dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Bạn đọc quan tâm:

Dự thảo nêu rõ về tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái gồm xác nhận doanh nghiệp có nhận thức và áp dụng các giải pháp về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

Ngoài ra, đề xuất giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái và giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái có thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp.

Trong thời hạn này, trường hợp không đáp ứng được các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái, nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp sinh thái phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái.
Định kỳ hàng năm, nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp sinh thái lập báo cáo tình hình thực hiện khu công nghiệp sinh thái gửi Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi, giám sát.

Kết quả theo dõi, giám sát thực hiện khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái là cơ sở để UBND cấp tỉnh và Ban Quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế xem xét cấp lại, thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, giấy chứng nhận doanh nghiệp sinh thái.

Đối với giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong khu công nghiệp, cần giảm chất thải tại nguồn; quản lý nội vi và kiểm soát quy trình sản xuất của doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu và giảm thiểu chất thải trong sản xuất; thay đổi nguyên liệu nhằm đạt được hiệu quả kinh tế và môi trường; cải tiến, thay thế thiết bị, dây chuyền, công nghệ để giảm tổn thất và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các giải pháp tuần hoàn gồm thu gom và tái sử dụng chất thải, phế liệu trong nội bộ doanh nghiệp; thu gom và xử lý các chất thải, phế liệu để tạo ra sản phẩm mới trong nội bộ doanh nghiệp hoặc trao đổi, kinh doanh với các cơ sở sản xuất khác. Các giải pháp thay đổi sản phẩm gồm cải thiện chất lượng sản phẩm để giảm tác động đến môi trường thông qua đổi mới sản phẩm, cải tiến bao bì, thiết kế của sản phẩm.

Việc xác nhận doanh nghiệp có nhận thức và áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do cơ quan hoặc đơn vị có chuyên môn về đào tạo, đánh giá sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn thực hiện.

Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn được xác nhận cần thể hiện hiệu quả môi trường, kinh tế, xã hội trước và sau khi áp dụng, thực hiện báo cáo tiến độ thực hiện hàng năm và đánh giá lại trong thời gian nhất định không quá 3 năm.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm:

Ông lớn vẫn đổ về đầu tư bất động sản Tây Nguyên

Thị trường bất động sản Tây Nguyên đang thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư những tổ hợp khu đô thị quy mô lớn.

Trước tình trạng quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, giá đất ngày càng tăng cao, sự quá tải hạ tầng xã hội ngày một trầm trọng, nhiều chủ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư về các tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế.

Sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng thêm quỹ đất còn dồi dào, khả năng sinh lời cao nên các tỉnh vùng Tây Nguyên đang thu hút nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư bất động sản (BĐS) tìm về.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực của Tây Nguyên những năm gần đây đã tạo cơ hội cho thị trường BĐS phố núi thu hút các “ông lớn” địa ốc đầu tư.
Đơn cử như tập đoàn FLC và Asian Holding đã cùng đầu tư phát triển một dự án tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại tọa lạc giữa trung tâm thành phố Pleiku. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đang xúc tiến triển khai nhiều dự án trọng điểm khác tại địa phương. Cũng ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum đang trở thành điểm đến đầy hấp dẫn của các doanh nghiệp nhờ chủ trương tích cực tạo quỹ đất sạch của UBND tỉnh và chính sách đầu tư cho hạ tầng đô thị, mở rộng không gian thành phố. Đến nay, Kon Tum đã thu hút nhiều dự án BĐS cao cấp.

Những dự án khu đô thị được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường BĐS Tây Nguyên.

Tại Đắk Lắk, TNG Holdings đang tập trung vào các lĩnh vực phát triển du lịch, nhà ở đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 1.700 tỉ đồng.
Tập đoàn Vingroup cũng tiến quân vào Đắk Lắk với tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – Khách sạn 5 sao, Shophouse tại thành phố Buôn Ma Thuột, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng… Hiện tại, Tập đoàn Capital House cũng đã ra mắt một dự án khu đô thị tại TP. Buôn Ma Thuột.

Theo báo cáo mới nhất về thị trường BĐS quý III/2020 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), thống kê từ một số sàn giao dịch cho thấy những dự án được quy hoạch bài bản, tiện ích đồng bộ đang dẫn dắt thị trường Tây Nguyên với tỉ lệ hấp thụ đạt 70 – 80%. Đáng chú ý, theo báo cáo của VARs, dòng sản phẩm cao cấp, tích hợp không gian sống hiện đại như công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí… luôn nằm trong giỏ hàng đắt khách. Biên độ tăng giá của dòng sản phẩm này cũng duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020, bước sang 2021.

Thị trường BĐS phố núi thu hút các ông lớn địa ốc đầu tư.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý các chủ đầu tư cần chú ý quy hoạch bài bản, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn để các dự án khớp nối được với quy hoạch hạ tầng của tỉnh và phát triển lâu dài.
Chuyên gia BĐS Ngô Đức Sơn cho rằng các địa phương mời gọi chủ đầu tư phát triển các khu đô thị phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, gắn với phân kỳ thực hiện, khu vực và ngành cụ thể. Các địa phương phải sàng lọc, lựa chọn những chủ đầu tư có năng lực, loại bỏ chủ đầu tư nguồn lực tài chính hạn chế bởi hiện nay có không ít doanh nghiệp đầu tư khu đô thị nhưng chỉ đăng ký để giữ đất, chờ chuyển nhượng.

“Một số tỉnh, thành phố, sau khi giao đất cho doanh nghiệp đã giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai. Thế nhưng có những dự án kéo dài, không triển khai thực hiện, gây nhiều thiệt hại cho địa phương và người dân” – ông Sơn nói.

 

Có thể bạn quan tâm: