Cần thiết dự thảo Luật Chung Cư

Đó là đề xuất của Luật sư Bùi Quang Hưng – Văn phòng luật sự BQH và cộng sự xung quanh việc giải quyết xung đột tại các chung cư hiện nay.


Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA), hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Nội và TP.HCM.
Tại Hà Nội, trong số 845 (cụm, tòa) chung cư thương mại có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp. Còn tại TP.HCM, trong số 935 chung cư cao tầng cũng có tới 105 chung cư đang có tranh chấp. Trong số đó có 9 chung cư có tranh chấp rất gay gắt, phức tạp. Tính trung bình, cứ 10 chung cư ở thành phố thì có một chung cư đang xảy ra tranh chấp.

Theo Luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng luật sư BQH và cộng sự), hiện nay xung đột tại các chung cư xảy ra thường xuyên do đa phần các bên đều chưa hiểu cách ứng xử, văn hóa của nhà chung cư. Chưa hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của Chủ đầu tư như thế nào, người dân ra sao. Mẫu thuẫn xảy ra đôi khi không chỉ ở phía chủ đầu tư mà còn cả phía người dân.
Do đó, theo ông Hưng, để giải quyết tranh chấp chung cư cần thiết phải có một dự thảo về Luật Chung cư. Luật này sẽ quy định cụ thể hơn về những ứng xử tại các nhà chung cư dành cho cả chủ đầu tư, cư dân và các chủ thể khác như UBND các cấp.

Trên cơ sở bộ quy tắc quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi, hành lang pháp lý rõ ràng của tất cả các bên tham gia, ai sai người đó phải chịu phạt. Như thế sẽ xử lý được các vấn đề tranh chấp chung cư hiện nay.

“Hiện nay, Luật Nhà ở đã có các quy định về sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng liên ban hành các thông tư, sửa đổi nhưng vốn dĩ không thể giải quyết được vấn đề về quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong chung cư”, Luật sư Bùi Quang Hưng cho biết.

Trên thực tế, trách nhiệm của ba bên Chủ đầu tư, cư dân và chính quyền trong việc giải quyết xung đột chung cư ở nhiều chung cư chưa thực sự thể hiện được rõ nét. Theo Luật sư Nguyễn Hằng Nga – Văn phòng Luật sư Nguyễn Nga và cộng sự, khi xảy ra tranh chấp, xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư, vai trò hòa giải của chính quyền là rất quan trọng.

Đối với các tranh chấp quản lý và sử dụng nhà chung cư, việc áp dụng ác quy định của pháp luật để tiến hành giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp là biện pháp hiệu quả, đúng quy định và phần nào đó sẽ được đảm bảo thi hành. Tuy nhiên, để đi đến kiện tụng, cư dân luôn ở phía yếu thế hơn bởi về mặt tài chính, trong một cộng đồng cư dân, để góp tiền để giải quyết tại tòa hay trọng tài là vấn đề rất khó.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm với các chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư. Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn chi tiết chế tài cụ thể xử lý các vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư để giúp cho BQT thực hiện vai trò của mình và UBND các cấp có cơ sở can thiệp trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Theo CafeF.

Có thể bạn quan tâm:

Chung cư CT3 của ngõ Tây Nha Trang đang mở bán với giá 21 triệu đồng/m2

Chung cư CT3 nằm trong Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung do CTCP Đầu tư VCN làm chủ đầu tư, nằm ở cửa ngõ phía Tây TP Nha Trang, giáp đường 23/10, cách ga Nha Trang khoảng 2,3 km và tháp Trầm Hương khoảng 6,8 km…

Chung cư CT3 thuộc dự án khu đô thị Vĩnh Điềm Trung xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang được cấp chủ trương đầu tư ngày 13/8/2020 do CTCP Đầu tư VNC làm chủ đầu tư.

Theo Sở Xây dựng, công trình CT3 đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, đối với 432 căn hộ tại chung cư CT3, Sở Xây dựng yêu cầu CTCP Đầu tư VCN trước khi mở bán phải được ngân hàng thương mại có đầy đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.


Ngoài ra, chung cư CT3 chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố thuộc khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà tại Việt Nam, vì vậy, không được phép bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Vị trí thuận lợi
Chung cư CT3 nằm trong khu đô thị Vĩnh Điềm Trung rộng 36,84 ha. Đây là khu đô thị nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố Nha Trang, giáp đường 23/10 – một trong những trục đường chính tại TP Nha Trang.


Vị trí dự án được đánh giá khá tốt khi dễ dàng kết nối lưu thông đến các điểm trọng yếu trong khu vực. Đặc biệt, phía trước và bên cạnh dự án là bệnh viện đa khoa, siêu thị Big C, trường học, Chi cục Thuế TP Nha Trang và Cục thuế Khánh Hòa…

Chung cư CT3 gồm hai block cao 17 tầng với 432 căn hộ được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích khoảng 10.223 m2 . Theo quy hoạch, tầng 1, 2 là sảnh vào chung cư, căn hộ và các phòng kỹ thuật, phòng bơm.

Tầng 3 là bãi đỗ xe; tầng 4 một phần là bãi đỗ xe, phần còn lại là các dịch vụ tiện ích tòa nhà, gym, dịch vụ nhà hàng, bể bơi, dịch vụ ngoài trời và sân vườn. Từ tầng 5 đến tầng 16 là căn hộ ở, tầng 17 là tầng kỹ thuật


CTCP Đầu tư VCN được thành lập từ năm 2006 với hơn 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư khu đô thị, phát triển hạ tầng, thi công công trình dân dụng, công nghiệp, kinh doanh bất động sản, văn phòng cho thuê, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục….

VCN đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn như khu đô thị VCN Phước Hải, khu đô thị VCN Phước Long 1 và 2, khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, khu đô thị sinh thái VCN, Cụm công nghiệp Diên Phú VCN… và gần 20 dự án tòa nhà căn hộ, văn phòng, trường học, trung tâm mua sắm tại thành phố Nha Trang.


Theo Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa, đây là nhà đầu tư uy tín về pháp lý, xây dựng và đảm bảo tiến độ các công trình. Do đó, giá các dự án của VCN luôn cao hơn một số dự án khác cùng phân khúc.

Giá bán từ 21 triệu đồng/m2
Trong đợt mở bán đầu tiên hồi cuối tháng 12/2020, chủ đầu tư VCN giới thiệu đến khách hàng các loại căn hộ 61 m2 – 98 m2 với giá 21,6 triệu/m2 đối với căn thường, còn căn góc có giá 23 triệu/m2.


Khách hàng được thanh toán trong vòng 20 tháng, mỗi sản phẩm đều được ngân hàng Vietcombank hỗ trợ cho vay 60 – 70% giá trị, nếu khách hàng thanh toán nhanh thì được chiết khấu 5% giá trị căn hộ.

Cũng trong đợt mở bán đầu tiên, VCN đã giảm 3% giá trị sản phẩm, áp dụng trong ngày mở bán; giảm 2% giá trị sản phẩm, áp dụng Khách hàng thân thiết; giảm 3% giá trị sản phẩm, áp dụng tri ân đối tác.

Theo các môi giới bất động sản, mức giá trên cao so với một số căn hộ thương mại cùng phân khúc nhưng do đây là một chủ đầu tư có tiếng tại Khánh Hòa nên vẫn được người mua đón nhận.

Giao thông xung quanh
Giao thông quanh khu vực dự án có thể được xem làm điểm trừ hoặc điểm cần cân nhắc khi lựa chọn mua dự án.

Do tiếp giáp với trực đường 23/10, một trong những cũng đường thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm tại TP Nha Trang nên việc di chuyển từ dự án đến trung tâm TP Nha Trang khá bất tiện.

Đường 23/10 cũng thường xuyên bị ngập cục bộ khi mưa lớn và xả lũ nên thường bị chia cắt từ hướng quốc lộ đi vào đường 23/10.

Giai đoạn gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều phương án để giải quyết vấn đề giao thông tại đường 23/10 nhưng việc đầu tư xây dựng vẫn gặp khó do công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vẫn chưa thuận lợi.

Nếu vấn đề giao thông được giải quyết sớm, khu vực từ dự án sẽ thuận lợi đi đến sân bay Cam Ranh và trung tâm TP Nha Trang.

Theo Vietnambiz.

Có thể bạn quan tâm:

Nghịch lý nhà ở xã hội

Nhu cầu nhà ở xã hội của người dân TP.HCM rất lớn. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ở phân khúc này thời gian qua không đạt mục tiêu đề ra.

Thậm chí, các chính sách phát triển nhà ở xã hội gần như bị bỏ quên sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc hồi giữa năm 2016.
Cầu cao, cung thấp… nguồn không có


Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn từ năm 2016 – 2020, có 23 dự án nhà ở xã hội (NOXH) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,15 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 17.900 căn hộ, trong khi mục tiêu đề ra là xây dựng 20.000 căn. Số căn hộ này chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn về NOXH theo tính toán trong giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 80.000 căn.
Ông Lê Hoàng Châu gợi ý: TP có thể dùng đất nhà xưởng, đất công bán đấu giá thu tiền về có thể dùng để làm NOXH. Ngoài ra, các khu đất nông trường của TP hiện nay cũng rất lớn có thể xây các khu đô thị về NOXH. TP cũng có thể tận dụng nguồn lực xã hội để làm NOXH, vấn đề là cơ chế và chính sách làm sao để có thể thu hút được các DN tham gia.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 TP.HCM cần phát triển khoảng 2,13 triệu m2 sàn NOXH, tương ứng khoảng 24.000 căn hộ, phục vụ cho các đối tượng tái định cư và các đối tượng thu nhập thấp. Để thực hiện kế hoạch trên, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện 19 dự án NOXH trong danh mục dự kiến hoàn thành sau năm 2020. Đồng thời cập nhật, rà soát các dự án nhà ở thương mại có quy mô lớn hơn 10 ha, đã xác định quỹ đất 20% để thực hiện NOXH. Hiện có khoảng 65 dự án nhà ở thương mại theo quy định phải dành 20% quỹ đất để xây NOXH đang trong tầm ngắm với tổng diện tích đất khoảng 197,3 ha, quy mô khoảng 146.550 căn. Các dự án này đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này, ông Khiết đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc hoán đổi quỹ đất 20% trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới thuộc danh sách phải xây dựng NOXH. Bên cạnh đó, giao cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NOXH. Khi phê duyệt các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải có nội dung quy hoạch NOXH, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên…
Về nguồn vốn thực hiện đề án, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết TP sẽ tiến hành đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng NOXH. Trong đó ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các NOXH thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê. Ngoài ra, sẽ hợp tác với các tổ chức cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, trong việc tư vấn phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp, liên quan đến các khía cạnh khác nhau như: Xây dựng, vốn vay, việc làm…

Nhà thiếu nhưng đất bỏ hoang
Những điều ông Huỳnh Thanh Khiết đưa ra thể hiện được quyết tâm của lãnh đạo Sở Xây dựng, lãnh đạo UBND TP.HCM trong việc chăm lo chỗ an cư cho người nghèo, các đối tượng chính sách, cán bộ công chức. Tuy nhiên có thực tế là doanh nghiệp (DN) muốn đầu tư NOXH cũng không phải dễ dàng. Như trường hợp của Công ty Lê Thành, đã 4 năm vẫn chưa thể triển khai xây dựng được dự án chỉ vì vướng việc miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà lẽ ra DN này đương nhiên được hưởng khi làm NOXH.
Cụ thể, dự án này được Sở Tài nguyên – Môi trường có 3 văn bản trình UBND TP.HCM ghi rõ đây là dự án miễn tiền sử dụng đất. Cục Thuế cũng có văn bản trình TP miễn tiền sử dụng đất nhưng UBND TP mãi vẫn không hồi âm rằng DN có được làm hay không. Sự im lặng của UBND TP khiến dự án “đứng bánh” mấy năm nay không thể triển khai. Một dự án khác của Công ty Lê Thành ở Q.Bình Tân dù đã giao nhà cho khách hàng vào ở, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định miễn tiền sử dụng đất. Từ đó DN không thể được cấp sổ hồng cho dự án để cầm cố vay ngân hàng ưu đãi theo quy định làm NOXH, với lãi suất 4,8%/năm. Những khó khăn này, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết đã “kêu gào nhiều năm nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì tích cực”.
Trong khi đó, nhiều quỹ đất công của TP dù bỏ hoang nhiều năm nhưng khi xin chuyển sang làm NOXH thì thủ tục cũng không hề đơn giản. Như khu đất hơn 20,2 ha ở Q.9 trước đây được TP giao cho Khu công nghệ cao TP.HCM quản lý và dùng vào việc xây nhà ở cho những người đang làm việc tại nơi đây ở. Nhưng sau đó nhu cầu thay đổi, nơi đây không còn dùng quỹ đất này để xây nhà và chuyển về cho TP. Đã có nhiều đề xuất lấy quỹ đất này để làm NOXH nhưng đến nay các thủ tục để chuyển đổi, cơ chế thực hiện vẫn chạy “lòng vòng”. Khi chúng tôi liên hệ với bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao, được bà này cho biết khu đất trên nơi đây chỉ được giao để quản lý, quyền quyết định làm cái gì là do UBND TP.HCM quyết và UBND TP đã ủy quyền này cho Sở Xây dựng. Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng vẫn luẩn quẩn chưa có lối ra đối với khu đất này. Hiện khu đất đang bỏ hoang và người dân “chiếm dụng” để làm sân bóng đá.
Tương tự, nhiều khu đất công khác của TP.HCM rộng “mênh mông” thay vì nhà nước bỏ tiền ra đầu tư NOXH hoặc có thể đem đấu giá, giao cho DN xây NOXH nhưng đang bỏ hoang, hoặc cho thuê với giá rẻ hoặc bị chiếm dụng. Đất vẫn bị bỏ hoang và người dân thì vẫn không có NOXH để mua, thuê là nghịch lý tồn tại nhiều năm nay.
Giá nhà đất ngày càng xa tầm tay người dân
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát, phân tích nếu như giai đoạn 2016 – 2020 nhà bình dân vẫn còn chiếm ưu thế về lượng cung thì nay tỷ lệ căn hộ bình dân đã giảm từ 51% xuống chỉ còn 1% trong khi đó giá nhà đất cũng tăng rất mạnh. Những số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2015 giá căn hộ hạng B (căn hộ bình dân) giá khoảng
21 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên 36 triệu đồng/m2, căn hộ hạng C khoảng 16 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Mức tăng giá của đất nền còn “khủng khiếp hơn”, chỉ trong 5 năm qua đã tăng hơn 100%, có nơi tăng hơn 200%. Những con số này cho thấy hiện nay giá nhà đất đã vượt quá thu nhập so với người dân và quan trọng hơn, căn hộ hạng C đã biến mất khỏi thị trường. Với mức tăng như hiện nay, nếu chính quyền TP.HCM không quyết tâm xây NOXH thì không biết đến bao giờ người thu nhập thấp, cán bộ công chức, đối tượng chính sách mới có được một chỗ an cư.
Nói về kế hoạch xây 24.000 căn NOXH của TP, lãnh đạo một công ty bất động sản đã thực hiện nhiều dự án NOXH tại TP.HCM, cho hay sẽ làm được nhưng quan trọng nhất là quỹ đất, bởi đất sạch của tư nhân họ sẽ không chuyển qua làm NOXH khi làm không khéo sẽ lỗ vì giá hiện nay nhà nước đang duyệt cho DN bán chỉ 14,9 triệu đồng/m2 (đây là giá tối đa được duyệt, đã bao gồm VAT). Với mức giá này DN chỉ lấy công làm lời khi DN vừa là chủ đầu tư vừa là nhà thầu vừa bán hàng, nguồn vốn tự có, không phải đi vay. Trong khi đó, nếu cùng vị trí khu đất làm nhà thương mại các DN khác đang bán hơn 30 triệu đồng/m2. “Nếu có đất trống hoàn toàn nhà nước giao cho DN làm NOXH thì có thể làm được. Còn nếu đất của DN thì giá bán phải duyệt trên 20 triệu đồng/m2, DN mới làm được. Nhưng phải kèm thêm điều kiện, chỉ các DN chuyên làm NOXH mới làm, còn các DN khác họ cũng không làm vì làm chưa chắc đã lời. Trong khi hiện nay các vướng mắc đã mở, nhưng cũng chỉ mở hé, chứ chưa được mở hoàn toàn”, vị này cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khá tự tin với đề án này vì giai đoạn 2016 – 2020 đã làm được khoảng 17.000 căn. Theo ông, chỉ tiêu làm 24.000 căn là hoàn toàn khả thi khi Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 100 về NOXH với nhiều cơ chế mới. Nghị định 148 mới đây cũng có quy định giao đất miễn tiền sử dụng đất cho DN làm NOXH. Một thuận lợi nữa là sửa Nghị định 99 về thi hành luật Nhà ở có liên quan đến NOXH cũng thông thoáng hơn. “Nghị định 100 có xử lý quy định 10 ha trở lên bắt buộc phải dùng quỹ đất 20% để xây NOXH trong dự án. Nếu không xây phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự án dưới 10 ha sẽ được chọn 1 trong 3 phương án là xây nhà, nộp tiền hoặc hoán đổi bằng căn hộ. Quỹ đất 20% này rất lớn và số tiền thu từ quỹ đất này cũng nhiều. Nếu không hòa vào ngân sách mà dùng để xây NOXH sẽ tạo ra được quỹ nhà rất lớn”, ông Châu nói.

Theo thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm:

Link căn hộ view biển Quy Nhơn: https://datxanhnamtrungbo.net/can-ho-i-tower-quy-nhon/

Bộ xây dựng lý giải nhà ở xã hội thiếu và chậm phát triển

Theo Bộ Xây dựng, trong khi quỹ nhà ở xã hội đã thiếu nhưng nhà xây dựng xong lại “án binh bất động” đợi phê duyệt qua bao nhiêu bước mới được bán thì đây chính là lãng phí, không đi theo quy luật thị trường.

Lý giải nguyên nhân việc chậm phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nhà ở xã hội của Việt Nam không giống thông lệ của các nước đi theo nền kinh tế thị trường. Bởi trong khi quỹ nhà ở xã hội đã thiếu nhưng nhà xây dựng xong lại “án binh bất động” đợi phê duyệt qua bao nhiêu bước mới được bán thì đây chính là lãng phí, không đi theo quy luật thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam quy định người mua nhà ở xã hội có tới 11 nhóm đối tượng cũng là chưa hợp lý. Chưa kể đến còn nhiều thủ tục đi kèm từ duyệt hồ sơ được mua nhà cho đến phê duyệt giá bán nhà.

“Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp ở các địa phương phản ánh về việc phê duyệt giá nhà ở xã hội để bán mà mất tới mấy tháng. Điều này rất vô lý, bởi khi nhà đã xây xong thì phải cho bán, bán sớm càng tốt để người dân được cải thiện chỗ ở và doanh nghiệp thu tiền, có vốn thực hiện dự án mới. Những lúc này, chúng ta nên sử dụng quyền hậu kiểm, đắt thì trả lại, thiếu thì thu thêm”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Hà, các đối tượng chính sách hiện nay đều có chương trình nhà ở riêng. Ví dụ, nhà ở cho người có công là theo chương trình riêng của Chính phủ, nhà ở cho người dân vùng lũ lụt thiên tai hay hộ nghèo nông thôn, nhà ở sinh viên… cũng vậy. Các loại hình nhà ở này không nên gộp chung vào là nhà ở xã hội.

“Muốn thay đổi tư duy về nhà ở xã hội, cần phải trở lại nguyên lý thị trường, giải quyết vấn đề cung – cầu. Đòi hỏi về nguồn cung tức là thị trường cần phải có đủ quỹ nhà ở để bán với mức giá hợp lý, diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Trong đó, nhà thương mại giá thấp chính là lựa chọn phù hợp với thực tiễn bởi sẽ giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố liên quan”, ông Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Xây dựng cũng cho rằng, cái khó nhất của Bộ Xây dựng hiện nay là không có trong tay công cụ nào liên quan, bởi từ đất đai, nguồn vốn… đều không thuộc thẩm quyền của Bộ. Hay như việc phê duyệt dự án lại do địa phương thực hiện. Công cụ duy nhất là quy hoạch nhưng khi phê duyệt thì phải có quyết định của cả hội đồng lớn nhưng sau đó vẫn điều chỉnh được.

Liên quan đến hỗ trợ người mua nhà, Bộ Xây dựng cũng đề xuất chính sách ưu đãi. “Trên thế giới nhiều quốc gia cũng hỗ trợ người dân mua nhà, đơn cử như Mỹ, họ cho người dân vay tiền mua nhà với lãi suất thấp bằng 1/4 lãi suất bình quân chung. Hay như mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Đức và quỹ tiết kiệm nhà ở của Hàn Quốc cũng dành sự hỗ trợ khá tốt cho người dân vay mua nhà”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó có 2,8 triệu m2 cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và 2,3 triệu m2 cho công nhân ở khu công nghiệp. So với yêu cầu, nhà ở xã hội mới giải quyết được 41,5%.

Theo CafeF.

Có thể bạn quan tâm:

Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội

Một trong các giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng khoảng 24.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 – 2025 là chuyển đổi các chung cư tái định cư đang “đắp mền” hiện nay sang nhà ở xã hội.

Theo thống kê, tại TP.HCM đang tồn kho hàng chục ngàn căn hộ, nền đất tái định cư. Trong đó, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) đang có hơn 2.250 nền đất, hơn 9.400 căn hộ; chung cư Tân Mỹ (Q.7) 220 căn hộ; chung cư Tân Thới Nhất (Q.12) 322 căn hộ; chung cư 90 Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) 260 căn hộ; chung cư Linh Trung (Q.Thủ Đức) 237 căn hộ; chung cư An Lạc An (Q.Bình Tân) 95 căn hộ; chung cư Phú Thọ (Q.10) 274 căn hộ; dự án Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) 1.454 căn hộ; căn hộ khu vực P.12 (Q.Bình Thạnh) 212 căn hộ. Những căn hộ tái định cư bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nghiêm trọng. Như tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, để duy tu, bảo dưỡng số căn hộ này, mỗi năm TP phải chi ngân sách khoảng 70 tỉ đồng.
Theo ông Tạ Khánh Quang, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, số căn hộ tái định cư này TP đã nhiều lần đem đấu giá nhưng bất thành. Nguyên nhân là giá đưa ra quá cao và doanh nghiệp để mua được phải chuẩn bị một nguồn tiền mặt khá lớn. Trong khi đó nói về chất lượng, thiết kế, kiến trúc thì những căn hộ này quá tệ so với mặt bằng chung hiện nay. Như vậy, giải pháp dùng để tái định cư là không còn, đem đấu giá cũng không khả thi. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân tại TP.HCM đang rất lớn, nhất là các đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội (NOXH). Thay vì TP “ôm” số căn hộ này và mỗi năm phải bỏ tiền tỉ ra duy tu, bảo dưỡng, trả lãi vay thì có thể đem chuyển sang làm NOXH. Điều này vừa giúp TP bán NOXH thu được tiền về làm việc khác, vừa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người dân, hoàn thành được các mục tiêu về phát triển nhà ở và điều quan trọng nhất là an dân.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam, cũng đồng quan điểm khi cho rằng càng để lâu các căn hộ tái định cư sẽ càng xuống cấp nhanh chóng. Trong khi hiện nay cơ chế bồi thường đều theo thị trường, đa số người dân nhận tiền để tự tái định cư, một bộ phận nhỏ nhận nhà tái định cư. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể xử lý được khi Nhà nước có thể mua lại quỹ nhà của doanh nghiệp tại khu vực đó để tái định cư tại chỗ cho người dân.
“Trong số hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đang bỏ hoang trên, TP nên đem phần lớn bán NOXH cho người dân có nhu cầu mua, thuê mua hoặc thuê. Người có tiền nhiều mua ở Q.2, có ít tiền hơn mua ở H.Bình Chánh, Q.12. Không nên để một lượng lớn căn hộ tái định cư bỏ hoang lâu như vậy, xét về mặt kinh tế vừa không đảm bảo, xét về mặt mỹ quan đô thị cũng không ổn khi nó làm xấu đi bộ mặt đô thị, càng không ổn hơn khi rất nhiều người dân gần đó, cán bộ công chức, người dân không có nhà ở nhưng hàng chục ngàn căn hộ đã xây dựng xong lại bỏ hoang”, ông Hoàng nói.

Theo thanhnien.vn

Có thể bạn quan tâm:

Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, gần nửa cư dân có ô tô

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Long Thịnh khẩn trương khắc phục sửa chữa các hư hỏng, thấm nứt tại công trình và thực hiện các thủ tục để có cơ sở làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho người mua.

Bạn đọc quan tâm:

Nhà ở xã hội Long Thịnh một nửa trong số 480 hộ dân đều có ô tô – Ảnh: T.THỊNH

Ngày 18/12, UBND tỉnh Bình Định cho hay, Chủ tịch UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh VLXD FICO khẩn trương thực hiện bảo hành, bảo trì công trình nhà ở xã hội chung cư Long Thịnh.

Khắc phục sửa chữa các hư hỏng, thấm nứt tại công trình và kịp thời hướng dẫn, kiểm tra xử lý các vấn đề liên quan đến dự án.

Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh VLXD FICO có trách nhiệm khẩn trương lập, nộp hồ sơ để Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, công trình đã xây dựng và điều kiện bán căn hộ chung cư, làm cơ sở thực hiện các thủ tục Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho người mua tại chung cư Long Thịnh.
Thời gian qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại chung cư dành cho người thu nhập thấp (nhà ở xã hội) – Cao ốc Long Thịnh mua nhà đã hơn 4 năm nhưng vẫn đang mong ngóng được làm sổ hồng. Trong khi đó, nơi ở của họ liên tục hư hỏng, điều này đã khiến nhiều người bức xúc vì cuộc sống đảo lộn.

Ông Phạm Lê Hoài Phương, chủ căn hộ A1-11 cho rằng: “Ngay từ đầu lúc gặp chủ đầu tư, những người tư vấn bán hàng và khi về nhận căn hộ thì tôi đã thấy khác biệt rất lớn. Với cái giá nhà ở xã hội lúc đó không phải là thấp nhưng giờ chất lượng như thế này, tôi không bằng lòng vì nó không giống như cam kết ban đầu chủ đầu tư”.
Cũng theo phản ánh của nhiều người dân, nhiều căn hộ đã xuống cấp nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng kịp thời, chênh lệch diện tích nhưng không nhận được đền bù tiền, hệ thống thoát nước thì liên tục bị tắc…

“Căn phòng ngủ của tôi vừa rồi cũng bị thấm dột, tôi báo cáo yêu cầu khắc phục thì nhận được câu trả lời, phải chờ bên chủ đầu tư phê duyệt. Ở đây, nhiều trường hợp căn hộ bị hư hỏng nhưng chờ chủ đầu tư không thấy thực hiện, người dân phải tự bỏ tiền túi ra thuê đơn vị bên ngoài sửa chữa. Trong khi vẫn còn trong thời gian bảo hành”, ông Phương bức xúc.
Là cơ quan được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện hồ sơ, thủ tục để Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho người mua nhà, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Định Lê Văn Tùng cho biết, sau khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, Sở này đã giao Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện, hướng dẫn hồ sơ.

“Tôi mới nhận báo cáo phía chủ đầu tư đã gửi hồ sơ, hiện cơ quan chuyên môn đang trong quá trình thẩm định, kiểm tra và phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết”, ông Tùng nói.
Trước đó, Dân Việt đã từng phản ánh, tại buổi tiếp xúc của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định vào năm 2019 với cử tri ở phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn), Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho biết, chung cư Long Thịnh là dự án nhà ở xã hội đầu tiên được xây dựng dành cho công nhân lao động, người thu nhập thấp. Thế nhưng, sau khi đi vào sử dụng thì tại đây đã xảy ra quá nhiều vấn đề phức tạp, khiến người dân liên tục phản ứng.

“Đây là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp nhưng thực tế, sau khi vào ở thì 480 hộ dân ở đây có ô tô gần như 50%, ô tô chạy quá nhiều dẫn đến bức xúc chỗ đậu đỗ xe. Việc mua ô tô là nhu cầu chính đáng của người dân, không thể cấm họ mua ô tô, cái này rất khổ sở bởi trước đây đặc thù nhà ở xã hội nên không xây tầng hầm để ô tô. Nhà ở xã hội dành cho người không có đủ thu nhập để sắm ô tô nhưng thực tế bây giờ họ lại sắm ô tô quá nhiều”, ông Nam nói.

Thông tin gần 50% người thu nhập thấp sau khi có nhà ở xã hội tại chung cư Long Thịnh bất ngờ có ô tô mà người đứng đầu UBND TP.Quy Nhơn công bố, khiến dư luận nghi ngờ có tình trạng trục lợi chính sách, chen chân giành suất ở của dân lao động nghèo.

Theo danviet.vn

Có thể bạn quan tâm: