24 công ty Trung Quốc cải tạo Biển Đông bị Mỹ điểm tên trừng phạt

TTO – Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc, “gã khổng lồ” quen mặt trong các dự án hạ tầng ở Đông Nam Á, và nhiều công ty viễn thông khác của Trung Quốc, đã bị Mỹ xác định là “công cụ trong chiến thuật săn mồi” của Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ ngày 26-8 đã công bố lệnh trừng phạt 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông.

Các công ty này sẽ bị ngăn chặn tiếp cận những công nghệ và sản phẩm từ Mỹ hoặc có yếu tố Mỹ.

Lãnh đạo các công ty cùng gia đình của họ sẽ không được cấp visa đến Mỹ.

Mỹ khẳng định không chỉ tàn phá môi trường Biển Đông, các công ty này còn hỗ trợ đắc lực cho các chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm sáng kiến Vành đai, Con đường.

Gọi những công ty bị trừng phạt là công cụ trong “chiến thuật săn mồi” của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nước xem xét lại mối quan hệ và đánh giá rủi ro khi giao dịch với các công ty này.

Trong 24 cái tên được công bố, nổi bật nhất là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), “gã khổng lồ” quen mặt trong các dự án hạ tầng ở Đông Nam Á.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, CCCC và các công ty con đi đầu trong hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trái phép thực thể nhân tạo trên Biển Đông. Không những vậy, CCCC còn được giao các dự án lớn trong Vành đai, Con đường – vốn bị Mỹ chỉ trích là chiến lược ngoại giao bẫy nợ.

“CCCC và các chân rết của nó đã dính líu tới các hoạt động tham nhũng, tàn phá môi trường và lạm dụng một danh sách rất dài các nước trên thế giới”, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 26-8.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt kê ra hàng loạt dự án có vấn đề của CCCC tại châu Á.

Năm 2009, CCCC bị Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách đen vì gian lận trong đấu thầu đối với một hợp đồng đường cao tốc ở Philippines. Tại Malaysia, dự án đường sắt cao tốc phía đông do CCCC làm tổng thầu bị nghi ngờ thổi giá và hối lộ dẫn tới đàm phán lại vào phút chót.

Trên sông Mekong, CCCC có vai trò chủ chốt trong các kế hoạch nổ mìn và khơi dòng của Trung Quốc, vốn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nước hạ nguồn.

Tại Bangladesh, công ty con China Harbour Engineering của CCCC bị đưa vào danh sách đen, không được tham gia các dự án sau khi hối lộ một quan chức. China Harbor Engineering Company cũng đối mặt với các cáo buộc tham nhũng trong dự án siêu cảng Hambantota ở Sri Lanka.

“Rõ ràng, việc sử dụng các công ty nhà nước để bắt nạt và cưỡng ép nước khác không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Đó là đặc điểm của chính sách đối ngoại Trung Quốc với toàn thế giới”, quan chức ngoại giao Mỹ nêu quan điểm.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt ngày 26-8 chỉ là bước đầu. Việc danh sách trừng phạt không có Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) cho thấy khả năng các công ty dầu khí và khảo sát Trung Quốc đã quấy rối hoạt động dầu khí của nước khác trên Biển Đông sẽ bị trừng phạt vào lúc khác.

CNOOC sở hữu giàn khoan HD-981 đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2014.

“Washington sẽ tiếp tục hành động cho tới khi Trung Quốc chấm dứt các hành vi cưỡng ép trên Biển Đông, hướng tới lợi ích chung và cư xử một cách thân thiện, tôn trọng các nước láng giềng”, Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết.

Ngoài CCCC, một số công ty viễn thông khác như Shanghai Cable Offshore Engineering và 4 công ty con của China Electronics Technology Group Corporation (CETC) cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Những công ty này bị Mỹ xác định đã hỗ trợ xây dựng mạng lưới cảm biến, hệ thống cáp ngầm và đường dây liên lạc giữa các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Danh sách 24 công ty Trung Quốc bị trừng phạt:

Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), Cục kỹ thuật điều hướng thuộc CCCC và các công ty con của CCCC ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân;

4 công ty con của Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation);

Công ty kỹ thuật cáp đại dương Thượng Hải; Viện nghiên cứu 722 thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc;

Công ty viễn thông Beijing Huanjia;

Công ty phát triển công nghệ Chongxin Bada;

Công ty thiết bị liên lạc Guangzhou Guangyou;

Tập đoàn Guangzhou Haige;

Công ty phát triển Guilin Changhai;

Công ty công nghệ liên lạc Hubei Guangxing;

Công ty công nghệ điện tử Shaanxi Changling;

Công ty công nghệ điện tử Telixin;

Công ty thiết bị phát sóng Thiên Tân;

Công ty Công nghệ hàng không Thiên Tân 764;

Công ty Công nghệ điều hướng và liên lạc Thiên Tân 764;

Công ty liên lạc Wuhan Mailite.

Theo tuoitre.vn.

Cách nào tháo gỡ bất cập trong quản lí chung cư?

QĐND Online – Theo thống kê, tính đến năm 2019, cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư; trong đó, tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mô hình chung cư cao tầng đang trở thành xu thế tất yếu trong phát triển nhà ở đô thị tại Việt Nam.


Không chỉ giúp tiết kiệm quỹ đất ngày càng bị thu hẹp do tốc độ gia tăng dân số, việc phát triển chung cư còn góp phần tạo kiến trúc, cảnh quan đô thị khang trang, môi trường xanh, sạch đẹp, hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của mô hình chung cư cao tầng, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kèm theo… làm căn cứ điều chỉnh hầu hết các hoạt động có liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư nhưng trong thời gian qua, tại một số địa phương, vẫn còn xảy ra tranh chấp, khiếu nại trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Các tồn tại, tranh chấp, khiếu nại liên quan đến một số vấn đề như: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành; xác định sở hữu chung-riêng; thu chi tài chính, quy chế hoạt động của Ban quản trị; giá dịch vụ nhà chung cư; không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành;…

Để khắc phục những bất cập này, việc hoàn thiện hành lang pháp lý một cách đầy đủ, đồng thời đảm bảo phù hợp với những chuyển động của thực tế là vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Xây dựng cần rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sao cho phù hợp với thực tế; chú trọng việc tổ chức thực hiện và xử phạt nghiêm những vi phạm trong quản lý nhà chung cư. Có như thế, việc quản lý chung cư tại Việt Nam mới thực sự tháo gỡ được các nút thắt.

Theo qdnd.vn

Mua vàng hay mua đất lúc này ?

Mua vàng, bất động sản hay chứng khoán lúc này là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Các chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư của mình.

Trước câu hỏi nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các kênh đầu tư, nên lựa chọn mua bất động sản, vàng hay chứng khoán lúc này, các chuyên gia tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định” do Tạp chí Đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức ngày 25/8, đã đưa ra những quan điểm khác nhau.
“Bảo toàn vốn và thanh khoản cao là tiêu chí quan trọng nhất”
Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng tại Đại học Văn Lang, khẳng định Covid-19 là cơ hội để mọi người nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư của mình.

“Trước đây chỉ có vàng, chứng khoán, bất động sản, giờ có thêm tiền ảo, trái phiếu. Nếu nhìn như vậy, cơ hội mua bất động sản giá rẻ, công ty giá rẻ, tài sản giá rẻ đang hiện hữu. Vấn đề là nhà đầu tư phải xác định tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn”, ông Hải nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì phân tích ở bất cứ quyết định đầu tư nào, mục tiêu đầu tiên là phải bảo toàn vốn; thứ hai là tính thanh khoản, mua đi bán lại được và cuối cùng là có thể gia tăng lợi nhuận. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, bảo toàn vốn và thanh khoản cao là tiêu chí quan trọng nhất.

“Hiện nay, gửi tiền ngân hàng và mua vàng là hai kênh truyền thống đáng đầu tư, ít rủi ro. Bên cạnh đó, có những kênh đầu tư không truyền thống như đầu tư vào quỹ đầu tư, P2P Lending”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Vị chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá vàng luôn là tài sản an toàn, có tính thanh khoản cao. Từ đầu năm đến nay, vàng mang lại lợi nhuận đến 35% cho nhà đầu tư. Ngoài ra, tất cả kênh đầu tư khác như lãi suất ngân hàng có thể giảm nhưng về lâu về dài giá vàng có xu hướng tăng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, nhìn nhận nguồn lực đầu tư tư nhân vẫn sẽ tăng trong năm nay khi người dân tin rằng dịch bệnh qua đi và thị trường sẽ hồi phục. Tuy nhiên, việc đầu tư vào đâu tùy thuộc vào nguồn lực và ngân sách của nhà đầu tư.

“Chứng khoán và vàng là những kênh quen thuộc với nhà đầu tư sành sỏi và am hiểu. Bất động sản cũng vậy, tôi đánh giá đây là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đòi hỏi nguồn lực rất lớn”, bà Hương nói.

Đại diện Đại Phúc Land cho rằng từ đầu năm đến nay, các bất động sản đầu tư thuần túy có thể bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào các sản phẩm giá trị thật, phục vụ mục đích an cư.

“Kỳ vọng giá vàng tăng ít nhất 20% thì tôi mới đầu tư”
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng việc đầu tư vào đâu lúc này phụ thuộc mức lãi suất kỳ vọng và nhà đầu tư có chấp nhận đánh đổi với rủi ro tương ứng hay không.

Ví dụ gửi tiết kiệm ngân hàng dài hạn lãi suất 7%/năm nhưng thực chất tiền sẽ trượt giá bởi lạm phát. Lạm phát 3%/năm thì lợi suất thực tế của tiền gửi ngân hàng chỉ còn 4%/năm. Tuy nhiên, gửi ngân hàng thì rủi ro gần như bằng 0.

“Nếu lấy đây là mức tối thiểu thì đầu tư những thứ khác lãi suất phải trên 4%/năm, không thể thấp hơn dù phải chấp nhận có rủi ro”, ông Thành nói.

Đối chiếu với đầu tư bất động sản, giả sử thu về từ việc cho thuê mỗi năm 5%, cộng với giá trị đất tăng thêm 5%/năm nữa thì được khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, giá trị lô đất, căn nhà có thể xuống khi chủ đầu tư xảy ra tranh cãi với cư dân hay con đường dự định xây ngang qua khu đất không được thực hiện.

Nhà đầu tư có thể căn cứ vào mức lãi tiền gửi ngân hàng so với lợi nhuận 10% kèm rủi ro đi kèm của việc mua đất để đưa ra quyết định đầu tư.

Còn với mua vàng, theo ông Thành thì dài hạn có thể tăng nhưng hiện tại, chỉ cần tin dịch bệnh được kiểm soát là mặt bằng giá vàng sẽ giảm xuống. Nếu sau đó, dịch bùng phát thì giá vàng đột ngột tăng trở lại.

“Kỳ vọng của tôi vào vàng ít nhất tăng 20% thì tôi mới chấp nhận đầu tư”, ông Thành chia sẻ.

Đối với thị trường chứng khoán, vị giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng Covid có thể làm lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm nhưng có thể tăng lại vào năm sau. Quyết định mua cổ phiếu phụ thuộc vào niềm tin của nhà đầu tư đặt vào lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, phải xem xu hướng của các quỹ đầu tư nước ngoài lạc quan hay bi quan. Nếu mình mua vào mà họ bán ra thì giá chứng khoán khó tăng”, ông Thành nói.

Theo zing.vn