Thị trường bất động sản Kon Tum: Những tín hiệu khả quan
Có thể nói, sau nhiều năm thị trường bất động sản có diễn biến khó lường với “không ít thăng trầm”, những phiên đấu giá trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có những khởi sắc. Điều đó được thể hiện qua 2 phiên đấu giá thuộc vùng quy hoạch khu đô thị Nam Đăk Bla trong thời gian gần đây với sự tham gia của đông đảo khách hàng và có tỷ lệ vượt giá so với mức giá khởi điểm.
Theo nhận định của những người trong cuộc, những khởi sắc của thị trường bất động sản trước hết là do nguồn tài chính được “bơm” trong lĩnh vực này nhờ vào chính sách cho vay vốn của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh lãi suất giảm, cơ chế vay của các ngân hàng cũng “thoáng” hơn, giúp người vay tiếp cận vốn một cách thuận lợi.
Ông Phan Thanh Hiền- Phó Giám đốc BIDV Kon Tum cho biết, dòng vốn ngân hàng đang chảy mạnh hơn vào thị trường bất động sản. Điều đó được thể hiện bằng việc lãi suất mà các gói tín dụng ngân hàng thương mại tung ra cho thị trường bất động sản thời gian qua tiếp tục giảm, hạn mức vay cao hơn, thời gian kéo dài hơn. Sự mạnh dạn này là do các ngân hàng đang có cái nhìn tích cực về thị trường bất động sản. Đã có những khách hàng vay tiền mua đất tăng nhanh ở BIDV Kon Tum trong những tháng đầu năm và có một số doanh nghiệp chủ động liên kết với ngân hàng, tạo điều kiện cho người mua nhà ở.
Theo bà Đặng Thị Trang – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, khu đô thị Nam Đăk Bla vừa là cửa ngõ, vừa là một trong những khu vực có giá trị đặc biệt về vị trí, cảnh quan, văn hóa đặc sắc của đô thị Kon Tum hiện tại cũng như trong tương lai. Việc quy hoạch xây dựng khu đô thị không chỉ đáp ứng định hướng phát triển thành phố Kon Tum mà còn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Vì vậy, việc xã hội hóa trong lĩnh vực đấu giá tài sản là hướng đi đúng, góp phần kích cầu thị trường bất động sản.
“Ngoài việc tổ chức các phiên đấu giá kịp thời, linh hoạt, Hội đồng đấu giá đất của tỉnh còn đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, quảng cáo, đưa thông tin đến người mua được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt là các biện pháp tiếp xúc, phổ biến trực tiếp với người dân, khách hàng; triển khai các giải pháp thu hút thêm các nhà đầu tư đến với khu quy hoạch đô thị Nam Đăk Bla, góp phần làm phong phú và sôi động thị trường bất động sản ở Kon Tum.” – Bà Đặng Thị Trang khẳng định về những “cú hích” góp phần làm cho thị trường bất động sản của tỉnh “ấm lên” trong thời gian qua.
Theo số liệu từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, tính đến ngày 22/6, đã đấu giá thành công 481 lô/632 lô, thửa của khu đô thị Nam Đăk Bla, với tổng trị giá 496,639 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm 15,295 tỷ đồng (bình quân giá khởi điểm 740 triệu đồng/lô); lượng khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị này đã tăng đáng kể so với các năm 2016, 2017…
Để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn, tỉnh đã xây dựng kế hoạch bổ sung vào danh mục 6 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng được sử dụng quỹ đất, gồm: Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khai thác quỹ đất đối với khu tập thể Trần Cao Vân, thành phố Kon Tum; Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu vực dân cư phía đông Trung tâm hành chính huyện Kon Plông; Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng tại Khu du lịch văn hóa lịch sử Ngục Kon Tum; Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu vực đất phía tây Quốc lộ 14 (đoạn từ chùa Kỳ Quang đến đường dây 500KV) thay thế dự án Khu văn phòng, nhà nghỉ và biệt thự cao cấp; Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng, bố trí dân cư dọc hai bên Quốc lộ 14C đoàn từ Trung tâm hành chính huyện Ia H’Drai đến ngã ba Quốc lộ 14C – Sê San 3; Dự án khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng khu vực phía đông bắc đô thị Kon Plông.
Thị trường bất động sản của tỉnh có những bước phát triển mạnh về sản phẩm và phân khúc thị trường. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại, dịch vụ và du lịch… trên địa bàn được hình thành, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhân dân cũng như nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Qua đó, có bước đóng góp tích cực vào sự phát triển đô thị, bộ mặt kiến trúc cảnh quan của thành phố, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những tác động tích cực, thị trường bất động sản của tỉnh cũng đã và đang bộc lộ những bất cập về cơ chế vận hành, các chủ thể tham gia thị trường, cơ cấu sản phẩm, hệ thống giao dịch, tính minh bạch thông tin, sự kiểm soát và định hướng thị trường… Vì vậy, cần phân tích các tác động tích cực, tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội; đề xuất các giải pháp như hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị; nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển đô thị cho từng địa phương làm cơ sở để triển khai các dự án liên quan đến dự án bất động sản và hướng tới mục tiêu minh bạch hóa thị trường, khai thác đúng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.
Theo Báo Kon Tum
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!