Được biết đến là con đường triệu đô hay nơi đất đắt hơn vàng, một số căn nhà trên đường Đồng Khởi, Q.1 đang được rao bán với giá lên đến hơn 1,5 -2 tỷ đồng/m2, cao kỷ lục ở Việt Nam.
Lần giở những trang sử về vùng đất Sài Gòn, mới thấy những thăng trầm qua từng thời đại của con đường này. Trước khi người Pháp đến, con đường này đã xuất hiện trong lịch sử của đất Sài Gòn với tên gọi là đường số 16.
Ngày 1/2/1865 đường 16 được đổi tên thành rue Catinat. Cái tên Catinat được đặt theo tên một vị tướng Pháp thời vua Louis XIV, sau này là tên một chiến hạm đến Sài Gòn năm 1859 của hải quân Pháp. Sau hiệp định Genève 1954 thì được gọi là đường Tự Do và mang tên Đồng Khởi từ sau 1975.
Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19, Catinat trở thành một trong hai đường chính của thành phố Sài Gòn (đường còn lại là Route National, sau 1901 có tên gọi là Paul Blanchy và hiện nay là Hai Bà Trưng). Nơi đây tập trung nhiều cơ sở kinh doanh của người Pháp, Hoa, Ấn và Việt với các dịch vụ cao cấp du nhập từ Pháp sang như: ngân hàng, in sách, thuốc tây, máy ảnh, dụng cụ âm nhạc, nữ trang,…
Được biết đến là con đường triệu đô hay nơi đất đắt hơn vàng, một số căn nhà trên đường Đồng Khởi, quận 1 được rao bán với giá lên đến hơn 1,5 tỷ đồng/m2, cao kỷ lục ở Việt Nam.
Bốn mươi năm sau đó, tức từ những năm 1900, Sài Gòn với kiến trúc và văn hóa du nhập hệt như một thành phố của nước Pháp bước vào một giai đoạn mà người ta gọi là “Belle Epoque” ở châu Âu hay “Gilded Age” ở Mỹ với sự đua nở phát triển các phong trào, trào lưu mới trong nghệ thuật, âm nhạc, ballet, hội họa, kiến trúc…Vào thời điểm này, Sài Gòn bắt đầu cuốn vào dòng chảy của những phát minh thay đổi thế giới như: xe hơi, phim ảnh, diesel, đèn điện, điện thoại, điện tín, máy bay…
Catinat lúc này không chỉ là vị trí thương mại mà nó còn là trung tâm kinh tế và văn hóa của Sài Gòn. Nơi đây không chỉ có những cửa hàng mua bán, kinh doanh mà còn đó những khách sạn lớn, nhà hàng, tiệm cà phê, nhà in, tiệm bán sách, tòa soạn báo, rạp hát, tiệm băng đĩa,… Những khách sạn còn đến nay có thể kể tên Continental (1880), Majestic (1925), Grand Hotel Saigon (1930) hay Saigon Palace cũng đã ra đời vào giai đoạn này (năm 1998, đổi tên lại thành Grand Hotel Sài Gòn), khách sạn Caravelle (1957),…
Con đường này cũng có hàng loạt khách sạn lâu đời và có giá trị về mặt kiến trúc như Continental (1880), Majestic (1925), Grand Hotel Saigon (1930) và cả những khách sạn mới xếp hạng 5 sao.
Riêng với Continental, khách sạn lâu đời nhất này không chỉ là nơi đón chào những danh nhân văn hóa thế giới như Rabindranath Tagore hay André Malraux, mà nó còn là cái nôi của truyền thông, báo giới Sài Gòn những năm giữa thế kỷ 20 khi toàn bộ những tin tức nóng nhất Sài Gòn đều từ khu vực này truyền đi khắp thành phố.
Một vị trí đặc biệt, không thể không nhắc đến là quảng trường Francis Garnier (Quảng trường Nhà hát thành phố) được xây dựng năm 1898 và khánh thành 1/1/1900. Đây là một trong những công trình văn hóa đáng tự hào nhất của người dân thành phố đến nay còn tọa lạc trên đường Đồng Khởi.
Khách sạn Majestic được xếp hạng 5 sao vào năm 2007. Khu mới (trên đường Nguyễn Huệ) của khách sạn Majestic được khởi công xây dựng vào tháng 7/2011, bao gồm 2 khối tháp cao 24 tầng và 27 tầng, 4 tầng hầm, với 353 phòng mới. Sau khi hoàn thành, khách sạn Majestic mới có tổng cộng 538 phòng
Đến tận hôm nay, con đường Đồng Khởi với chiều dài khoảng 1,5km được kéo dài từ mặt tiền Nhà thờ Đức Bà đến Bến Bạch Đằng, đang là nơi được xem là con đường đắc đỏ nhất TPHCM. Tại đây, hàng loạt khách sạn hạng sang đã tồn tại hàng chục năm trước vẫn nườm nượp đón khách trong và ngoài nước, bên cạnh một số dự án mới đang được trùng tu và xây dựng. Dọc tuyến đường này, hàng loạt trung tâm thương mại hoạt động dày đặc, mọi sinh hoạt giao thương diễn ra xuyên đêm…
Nét cổ kính chen lẫn những đổi thay mang hơi thở hiện đại, với các công trình như tòa tháp đôi Vincom Đồng Khởi, tòa nhà Union Square, tòa nhà Opera House – một trong những địa chỉ mua sắm, vui chơi giải trí với trung tâm mua sắm thời trang, nơi hội tụ của những thương hiệu cao cấp nhất, các hệ thống nhà hàng, cùng nhiều dịch vụ thượng hạng phục vụ cho khách du lịch giúp cho Đồng Khởi giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế văn hóa quan trọng bậc nhất của Sài Gòn xưa và TP.HCM nay.
Tiếp nối nhịp sống sôi động đó, đường Đồng Khởi ngày nay cũng trở thành điểm đến náo nhiệt, quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần người dân TP HCM với nhiều hoạt động, sự kiện hoành tráng thường được diễn ra tại đây trong những dịp lễ, hội lớn của thành phố: lễ hội đón Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tết Dương lịch, lễ Giáng sinh, ngày Thống nhất đất nước 30/4…
Vị trí đắc địa của Đồng Khởi còn được thể hiện rõ ràng khi bao bọc chung quanh tuyến đường này là những con đường mệnh danh là trung tâm tài chính mới của thành phố như Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay mang chất “ngoại giao” với nhiều văn phòng chính phủ, đại sứ quán các nước như Hai Bà Trưng, Lê Duẩn.
Trong một tương lai không xa chỉ vài năm nữa, tuyến đường này càng trở nên cực kỳ quan trọng khi một góc Đồng Khởi từ Quảng trường Nhà hát Lớn nhìn ra Nguyễn Huệ, tuyến Metro đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo bảng giá đất trên địa bàn thành phố của UBND TP.HCM đưa ra và áp dụng cho giai đoạn 2015-2019, bất động sản trên đường Đồng Khởi được áp mức 162 triệu đồng/m2. Các tuyến đường lân cận như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Tôn Đức Thắng… cũng được quy định giao dịch ở mức giá tương tự.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhà đất được rao bán trên những con đường này thường có giá không dưới 800 triệu/m2, cao gấp 7-8 lần so với mức UBND công bố. Khảo sát ở các trang bất động sản trực tuyến, mỗi mét vuông đất mặt tiền trên đường này dao động từ 850 triệu – 1,3 tỷ đồng, thậm chí có những ngôi nhà được chủ nhà rao bán với giá hơn 1,5 tỷ đồng/m2, một số vị trí đắc địa nhất như gần nhà ga metro số 1 hiện giá bán đã vượt qua con số 2 tỷ đồng/m2.
CafeF