Việt kiều không có quốc tịch Việt Nam có được sở hữu nhà?
Câu hỏi: Tôi là Việt kiều có quốc tịch Đức và không có quốc tịch Việt Nam do khi nhập tích Đức tôi bị yêu cầu bỏ quốc tịch Việt Nam. Ông bà ngoại tôi ở TP.HCM đã mất có để lại ngôi nhà cho dì tôi đứng tên. Nay dì tôi muốn chuyển quyền sở hữu cho tôi ngôi nhà đó. Luật sư cho hỏi tôi có được sở hữu ngôi nhà đó không? Hồ sơ thủ tục ra sao? Xin luật sư tư vấn giúp. Trân trọng cảm ơn.
Luật sư trả lời:
Thứ nhất: Điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo Khoản 3, Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam) và người gốc Việt Nam (đã từng có quốc tịch Việt Nam) cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 và Khoản 1; Điểm b, Khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam.
Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì phải có giấy tờ sau đây:
– Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.
– Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì phải còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Khoản 1, Điều 6 của Nghị định này quy định, đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu không được nhập cảnh vào Việt Nam mà được tặng cho hoặc được thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở mà phải thực hiện quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 78 của Nghị định này.
Như vậy, nếu bạn đủ điều kiện sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật thì bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Nếu bạn không đáp ứng được các điều kiện như nêu ở trên thì bạn không được quyền sở hữu nhà và đất mà dì bạn tặng cho, tức là không được cấp sổ đỏ mang tên của bạn theo quy định tại Nghị Định 99/2015/NĐ-CP,Điều 78. Các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam
- Đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán hoặc tặng cho nhà ở; đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác đang cư trú, hoạt động tại Việt Nam bán hoặc tặng cho nhà ở.
- Việc bán, tặng cho nhà ở của các đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này được thực hiện khi có các giấy tờ theo quy định sau đây:
a – Có hợp đồng tặng cho, giấy tờ về thừa kế nhà ở được lập theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật dân sự của Việt Nam;
b – Có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên tặng cho, bên để thừa kế theo quy định của Luật Nhà ở và Điều 72 của Nghị định này;
c – Có văn bản ủy quyền bán hoặc tặng cho nhà ở được lập theo quy định của pháp luật dân sự nếu ủy quyền cho người khác bán, tặng cho nhà ở.
Căn cứ theo Điều 78 Nghị Định 99/2015/NĐ-CP bạn được trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác bán hoặc tặng cho nhà ở sau khi bạn có hợp đồng tặng cho của dì và có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở của bên cho.
—Nguồn: Sưu tầm—