UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu các cơ quan chức năng đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Khánh Hoà giao Sở Giao thông vận tải làm cơ quan đầu mối kiểm tra, đôn đốc khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dự án.
UBND tỉnh cũng giao các huyện Diên Khánh, Cam Lâm, TP. Cam Ranh chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thành công tác bàn giao, tiếp nhận và quản lý cọc mốc giới giải tỏa theo đúng quy định, tiến độ…
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm 2 dự án thành phần. Trong đó, gồm đoạn Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài tuyến khoảng 49,11 km, điểm đầu thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và điểm cuối thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo có chiều dài tuyến khoảng 78,5 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 5 km, đoạn còn lại đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
8 tháng qua, vượt qua nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, thời tiết bất lợi, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khẩn trương thi công. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần, gồm đoạn Nha Trang – Cam Lâm dài hơn 49 km và đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài 5km, được đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT bao gồm vốn nhà nước và vốn nhà đầu tư.
Đến nay, dự án Nha Trang – Cam Lâm đã vượt tiến độ đề ra hơn 1 tháng, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2023, sớm hơn so với kế hoạch 3 tháng. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang – Cam Lâm cho biết, dự án này khoảng 2 tháng nữa sẽ bắt đầu thảm nhựa những ki lô mét đầu tiên.
Ông Nguyễn Văn Huy cho biết: “Mặt bằng trong hầm thì làm được rồi, sát cửa hầm bạt 2 mái xuống đang vướng, có đến đâu làm đến đó. Hiện trường đang có 1.500 người thi công 3 ca liên tục, mùa khô này thì đắp hết để mùa mưa nhà thầu rải cấp phối để cho kịp tiến độ của dự án này. Trong năm 2022, phấn đấu thảm được 30 km, đến tháng 4 và 5/2023 cơ bản hoàn thành dự án.”
Giai đoạn đầu, việc thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn vì thiếu hàng triệu mét khối đất đá đào đắp. Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép khai thác cho 13 mỏ, với tổng trữ lượng là 5,3 triệu m3 và nâng công suất khai thác 4 mỏ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đất đắp của dự án. Công tác giải phóng mặt bằng cũng đạt gần 99%, một số đoạn chưa được bàn giao chủ yếu thuộc về các đường dẫn kết nối với đường cao tốc nên về cơ bản không ảnh hưởng đến việc triển khai thi công. Vướng mắc lớn nhất là di dời 4 mỏ đá nằm trên tuyến cũng như di dời các hạng mục hạ tầng về điện lực, viễn thông, đường ống nước sạch…
Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự án này có 15km đường cao tốc chạy qua địa bàn: “Hết quý 1, phải thực hiện ngay toàn bộ việc di dời các mỏ này. Trao đổi, làm việc với các mỏ, thống nhất phương thức ưu tiên di dời các vị trí để bàn giao đơn vị thi công thực hiện các hạng mục của dự án. Chứ không phải chuyển từ ngoài chuyển vô, bây giờ, yêu cầu phải chuyển hết vật liệu để bàn giao ngay trong phạm vi giải phóng mặt bằng còn ngoài rìa thì chuyển giao sau.”
Hiện nay, bên cạnh việc tập trung giải phóng mặt bằng cho 2 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam, tỉnh Khánh Hòa cũng đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương chuẩn bị triển khai 2 dự án đường bộ cao tốc khác. Đó là Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong – Nha Trang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 và Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đường cao tốc. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Trung ương cho phép thực hiện các cơ chế đặc thù đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, thủ tục liên quan đến cấp phép và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị trung ương cho phép thực hiện cơ chế đặc thù các thủ tục liên quan đến thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Căn cứ vào quy hoạch để chọn quỹ đất tái định cư, cố gắng làm sao để có thể chọn nhiều hơn 1, đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Chúng tôi thấy dự án Nha Trang- Cam Lâm có khu tái định cư ở khu vực Diên Khánh, tái định cư rất đẹp. Như thế thì người dân sẽ đồng tình ngay với mình thôi. Chuẩn bị ngay bãi đổ thải vật liệu, vừa rồi Nha Trang- Cam Lâm cũng loay hoay câu chuyện chuẩn bị vật liệu, bãi thãi vật liệu./.