Đô thị toàn tỉnh thay đổi mạnh mẽ
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 11-7-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVII về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020, bộ mặt đô thị của TP. Nha Trang nói riêng và của toàn tỉnh nói chung đã có sự thay đổi mạnh mẽ, mang dáng dấp đô thị văn minh, hiện đại.
Kết quả khả quan
Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai lập chương trình phát triển đô thị phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội và điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, việc đầu tư phát triển hệ thống đô thị được tập trung vào 4 nhóm công việc chính là: Quy hoạch xây dựng; hạ tầng kỹ thuật; khu đô thị mới, khu tái định cư và nhà ở; hạ tầng xã hội. Đến nay, về quy hoạch đô thị, toàn tỉnh có tổng số 65 đồ án quy hoạch, trong đó đã phê duyệt 23 đồ án, đang thực hiện 24 đồ án. Tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 64,98 tỷ đồng/214,08 tỷ đồng. Về hạ tầng kỹ thuật, theo chương trình được duyệt, toàn tỉnh có 356 dự án, trong đó đã hoàn thành và đang thực hiện 211 dự án. Tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 49.848 tỷ đồng/113.157 tỷ đồng. Về khu đô thị mới, khu tái định cư và nhà ở, theo chương trình được duyệt, toàn tỉnh có 98 dự án, đến nay đã hoàn thành và đang triển khai thực hiện 77 dự án. Tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 16.437 tỷ đồng/22.611 tỷ đồng.
Ông Trần Nam Bình – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020 xác định tập trung đầu tư phát triển đô thị hướng tới mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Trong đó, TP. Nha Trang là hạt nhân phát triển; tỉnh Khánh Hòa thành một đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng môi trường sống tốt và là trung tâm du lịch tầm quốc tế. Trên cơ sở các tiêu chí được phân công thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá kết quả đạt được. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh Khánh Hòa đã đạt 67,8 điểm trên thang điểm từ 75 đến 100.
Tiếp tục kêu gọi xã hội hóa
Đến năm 2020, Chương trình phát triển đô thị đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản như: Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân 22,6m2/người, tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 97,7% (trong đó, nhà kiên cố đạt khoảng 40%); tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng tại các đô thị đạt 14,8%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 98,2%; tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt hơn 80% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị; 100% cơ sở sản xuất mới được xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt hơn 15m²/người, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị đạt 4,5m²/người.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Chương trình phát triển đô thị tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 đã cơ bản đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết số 05 đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong thời gian đến. Cụ thể, ngân sách tỉnh còn hạn chế và chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12 năm 2017, dẫn đến một số chỉ tiêu về phát triển đô thị tại huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa chưa đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra. Kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án rất lớn. Các chính sách về lao động, tiền lương thường xuyên thay đổi cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn vốn, khả năng đầu tư và thời gian thực hiện các dự án thuộc chương trình.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa tuy đã có các công trình hạ tầng kỹ thuật tầm quốc gia như: Sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt… nhưng mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng với sự phát triển của các ngành kinh tế đang là vấn đề cần giải quyết. Việc huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện chương trình còn hạn chế, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, từ nay đến hết năm 2020, tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, các trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm văn hóa, thể thao, các công trình giáo dục, y tế theo hướng xã hội hóa; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quy hoạch đô thị, về trật tự xây dựng đô thị, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở. Ngoài ra, tỉnh sẽ hoàn thành thủ tục trình Bộ Xây dựng công nhận đô thị Diên Khánh là đô thị loại IV; tiếp tục công nhận đạt chuẩn đô thị loại V cho các khu vực đã được quy hoạch phát triển thành khu vực nội thành, nội thị.
Theo Baokhanhhoa.vn
Có thể bạn quan tâm
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!