Chủ tịch Hiệp hội bất động sản: “BĐS nghỉ dưỡng cung chưa đáp ứng cầu”

Là nhận định đáng chú ý của ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam xoay quanh câu chuyện bội cung sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.

Thưa ông, câu chuyện “đặc khu” tại Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh được xem xét cẩn trọng dường như cũng không thể ngăn thị trường BĐS nghỉ dưỡng ngừng sôi động. Ông đánh giá ra sao về tiềm năng của dòng sản phẩm đặc thù này?

– Tôi cho rằng, du lịch tăng trưởng không có lý gì BĐS nghỉ dưỡng không đi theo. Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn. Năm ngoái, khách nội địa của chúng ta xấp xỉ 62 triệu người. Dân mình rất thích đi du lịch, nếu Nhà nước bắc cầu, mở rộng giao thông, khách đi du lịch rất nhiều. Vấn đề là cách mình khai thác tiền của khách như thế nào, như thông qua các cửa hàng, hoạt động văn hóa. Vì vậy, nếu chúng ta có các đặc khu với những đặc trưng du lịch lớn, sẽ là tiềm năng để phát triển mạnh các sản phẩm khách sạn, nghỉ dưỡng. Trước thực tế phát triển, rõ ràng dòng sản phẩm này sẽ mang hơi thở mới, tránh sự nhàm chán và mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Liệu có hay không việc thị trường BĐS đang thừa các dự án về nghỉ dưỡng, du lịch thưa ông?

– Về mặt cảm tính, nhiều người thấy rằng, hiện có nhiều khách sạn, resort mọc lên. Từ đó lo ngại tình trạng sốt nóng, tích tụ bong bóng. Tuy nhiên, nếu đi sâu phân tích con số khách du lịch và số phòng, hiện vẫn thiếu hơn chục nghìn phòng. Tôi có thể khẳng định một điều, đối với Việt Nam, hạ tầng về lưu trú cho du lịch dư địa còn rộng, cầu đang thiếu nhiều so với cung. Đặc biệt là nơi lưu trú chất lượng cao, chuyên nghiệp cao (5 sao) còn ít. Chính vì vậy, không nên lo câu chuyện thừa bởi so với các nước trên thế giới Việt Nam có khí hậu quanh năm mát mẻ, số ngày nắng lên tới 300 ngày. Hơn nữa chúng ta có một bề dày lịch sử rất lâu đời, đặc biệt là nền văn hóa đa dạng bản sắc. Chính vì vậy, nếu làm được tốt câu chuyện phát triển những tiềm năng du lịch trên, số lượng dự án nghỉ dưỡng chúng ta đang thiếu chứ không phải thừa.

Để các dự án BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, ông suy nghĩ như thế nào về cơ hội nới rộng chính sách cấp sổ đỏ?

– Thực ra BĐS nghỉ dưỡng là vấn đề mới nên pháp luật cũng cần có thời gian để hoàn thiện. Điều quan trọng là coi một số dạng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng như condotel là nhà ở hay cơ sở lưu trú khách sạn? Vấn đề chẳng qua là cơ chế, chính sách. Gần đây tôi được biết, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất xem condotel như một loại hàng hóa, sử dụng lâu dài như đất ở. Tôi nghĩ đây là bước đột phá tư duy. Về nguyên tắc, bên mua nhà, công trình xây dựng, các căn hộ, phần diện tích trong nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh BĐS). Tuy nhiên, hầu hết người mua condotel đều gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy chứng nhận vì pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng cho vấn đề này. Thậm chí, trước đây, condotel không được quy định trong Luật Nhà ở nhưng gần đây đã có thuật ngữ “căn hộ du lịch”, “biệt thự nghỉ dưỡng” được quy định trong Luật Du lịch. Do đó, không cần bổ sung thêm loại hình căn hộ này vào luật như kiến nghị của nhiều cơ quan bộ, ngành trước đó. Điểm vướng mắc nhất hiện nay là cấp theo thời hạn sử dụng đất lâu dài hay 50 năm, 70 năm.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: kinhtedothi

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *