Khu kinh tế Nam Phú Yên đón nhận vận hội, bứt phá nhờ quy hoạch, hạ tầng
Khu kinh tế Nam Phú Yên đón nhận vận hội, bứt phá nhờ quy hoạch, hạ tầng
Được Chính phủ quy hoạch trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, Khu kinh tế Nam Phú Yên đang thay đổi từng ngày, sẵn sàng mọi nội lực để trở thành khu kinh tế biển trọng điểm của của vùng ven biển duyên hải Nam Trung Bộ.
Quy hoạch mở lối
Theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên, Chính phủ sẽ thực hiện việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, tận dụng mọi lợi thế có sẵn để bứt phá trở thành khu kinh tế trọng điểm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo đó, trọng tâm phát triển khu kinh tế Nam Phú Yên là: công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển; du lịch sinh thái; đô thị dịch vụ thương mại – du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển; …
Đồng thời, Chính phủ cũng định hướng xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên thành một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên và các nước ASEAN; là Khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng hiện đại làm động lực phát triển cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có liên kết hỗ trợ và chia sẻ với khu kinh tế Vân Phong và các vùng phụ cận.
Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 khu kinh tế được ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng để hình thành các khu công nghiệp Hòa Hiệp I, Hòa Hiệp II; sân bay Tuy Hòa, cảng Bãi Gốc, cảng Vũng Rô… Cơ chế, chính sách ưu tiên đã đi trước mở lối, tạo động lực để khu vực này phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Hạ tầng “nội – ngoại” tạo sức bật
Trong quá trình phát triển, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã và đang chứng tỏ vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế toàn tỉnh. Với quyết tâm biến Khu kinh tế trở thành động lực phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên đã ưu tiên đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, nhằm tạo sức hút mời gọi nhà đầu tư vào tỉnh.
Đáng chú ý là đường hàng không với sân bay Tuy Hòa, đường thủy với cảng biển Vũng Rô, Bãi Gốc. Trong đó, sân bay Tuy Hòa đang thực hiện mở rộng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế với công suất 4 triệu khách/năm, là bước đột phá trong thu hút đầu tư, khai phá tiềm năng ngành du lịch tỉnh. Cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc là những cảng biển sầm uất, có hoạt động xuất nhập khẩu sôi động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hai cảng này là cửa ngõ giao thương quan trọng đưa Phú Yên hướng ra biển Đông và khu vực ASEAN, kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ.
Sự hiện diện của cảng hàng không quốc tế và cảng nước sâu ngay trong lòng khu kinh tế là một trong những lợi thế lớn của Nam Phú Yên, điều mà hiếm khu kinh tế nào trên cả nước có được. Đây là cánh cửa rộng đưa khu kinh tế Nam Phú Yên đến gần hơn với các khu vực lân cận trong cả nước cũng như quốc tế, là lực hấp dẫn hút nhiều tập đoàn lớn đổ bộ phát triển công nghiệp, du lịch, bất động sản, tạo nên hệ sinh thái phát triển kinh tế đồng bộ, là đòn bẩy đưa khu kinh tế Nam Phú Yên “bật” lên mạnh mẽ.
Trên đường bộ là tuyến đường ven biển Tuy Hòa – Vũng Rô dài hơn 35 km đang được đầu tư hoàn thiện, kết nối liên hoàn hạ tầng giao thông, đẩy mạnh mở rộng không gian đô thị về phía Nam Phú Yên với tầm nhìn hướng biển. Con đường này sau khi hoàn thành sẽ khai thác được toàn bộ thế mạnh của các điểm du lịch ven biển và ngành công nghiệp phụ trợ, kết nối các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Bên cạnh đó, dự án Cao tốc Bắc – Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 83km sẽ triển khai xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025. Đây là dự án quan trọng kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, đồng thời cũng kết nối Nam Phú Yên với Nha Trang – thủ phủ du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, ảnh hưởng tích cực tới ngành du lịch của Nam Phú Yên.
Ở điểm cực Nam, hầm đèo Cả được thông đường như một dấu “gạch nối” quan trọng giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, kết nối với khu Bắc Vân Phong – một trong 3 đặc khu kinh tế tương lai của Việt Nam, tạo nên động lực cộng hưởng và ý tưởng hình thành những khu liên kết về du lịch, vận tải biển, đưa cả hai khu vực cùng phát triển.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Yên, trước đây, kinh tế – xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, một phần do vướng hai đèo: Đèo Cả và Đèo Cù Mông. Nhưng từ khi hai hầm đường bộ Đèo Cả và Đèo Cù Mông hoàn thành, giao thương thuận lợi hơn, kinh tế – xã hội đã có sự phát triển ngoạn mục, thu ngân sách năm 2019 đã tăng mạnh lên 7.000 tỷ đồng. Được biết Phú Yên đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch tốt nhất, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài…
Với những nền tảng về quy hoạch và hạ tầng được chú trọng, cùng cơ chế thông thoáng và sự quan tâm từ Trung ương, khu kinh tế Nam Phú Yên đang lọt vào tầm ngắm của nhiều tập đoàn công nghệ, công nghiệp, bất động sản, du lịch,… đón dòng tiền đầu tư lớn đổ về.
Theo 24h.com.vn
Có thể bạn quan tâm