Gia Lai : Biển Hồ có đáy hay không?
Biển Hồ hình thành trên ba miệng núi lửa cổ liên thông nhau tạo nên hồ nước lớn nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 7 km về phía bắc. Truyền thuyết của dân tộc Jarai khiến nhiều người tin rằng Biển Hồ không có đáy, thậm chí còn thông với thế giới bên kia.
Có thể bạn quan tâm: đất nền sổ đỏ tại Gia Lai
Biển Hồ từ lâu là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho cư dân thành phố. Cho đến năm 2016, có rất ít nghiên cứu cổ hồ học ở Việt Nam. Trong hơn hai năm qua, nhóm nghiên cứu EOS tại Khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội được thành lập với sự tham gia hợp tác của các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia tầm cỡ quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Đức và Phần Lan, đã tiến hành nhiều đợt khảo sát thực địa Biển Hồ với những trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại. Nhờ được đào tạo Phòng thí nghiệm hồ học LacCore hàng đầu Hoa Kỳ và sự cố vấn của các chuyên gia, nhóm đã tự chế tạo và cải tiến hệ thiết bị để ngày càng gia tăng độ sâu lấy mẫu trầm tích nguyên dạng, đồng thời tiến tới tự chủ hệ phương pháp, thiết bị thí nghiệm. Hiện nhóm nghiên cứu gồm tập hợp các nhà chuyên môn có kinh nghiệm về lấy mẫu trầm tích hồ, địa chất, khoáng vật học, vi cổ sinh, địa hóa, đồng vị bền, định tuổi đồng vị và mô hình hóa. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khôi phục cổ môi trường và lịch sử hoạt động gió mùa ở khu vực Tây Nguyên dựa trên trầm tích hồ núi lửa Biển Hồ; đi kèm với đó là các hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn hướng tới cộng đồng dân cư ven Biển Hồ nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
1. “Biển Hồ có đáy hay không?”
Biển Hồ mang những tên khác như hồ T’Nưng, Tơ Nưng, T’Nueng, Ea Nueng hay Ia Nueng…, là hồ nước thiên tạo (tự nhiên) hình thành trên ba miệng núi lửa cổ liên thông nhau tạo nên một thủy vực lớn nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 7 km về phía bắc (Hình 1). Từ xa xưa, đồng bào dân tộc Jarai cư ngụ chủ yếu trong vùng xung quanh Pleiku – Đức Cơ – Ayun Pa. Trong đó Biển Hồ là một trong những nơi sinh tụ chủ yếu của nhóm Jarai Hdrung. Các di chỉ khảo cổ xung quanh Biển Hồ và lân cận khá phong phú và độc đáo, cho phép xác lập một nền văn hóa riêng – Văn hóa Biển Hồ. Chủ nhân của văn hóa Biển Hồ đã cư trú ở khu vực này từ giai đoạn Hậu kỳ Đá mới (4.000-3.500 năm cách ngày nay) (Nguyễn Khắc Sử, 2007). Mặc cho những biến đổi của lịch sử, con cháu của cư dân Biển Hồ có lẽ vẫn luôn duy trì truyền thống sinh tụ gần hồ nước của cha ông họ. Đến thời Pháp phát triển các đồn điền chè của các ông chủ Pháp – Hoa, sau này Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hòa xây dựng các căn cứ quân sự, không gian của những người chủ vùng đất xưa dần bị thu hẹp quanh hồ nước này. Người Pháp và Hoa Kỳ gọi những dân tộc thiểu số ở Miền Trung – Tây Nguyên nói chung là “Montagnard – Người Thượng”. Sau ngày thống nhất đất nước, đồng bào ở các tỉnh Bắc Bộ cũng như ven biển phía đông tỉnh Gia Lai, như Bình Định, đã di cư hưởng ứng chính sách kinh tế mới và chiếm cứ những không gian còn lại xung quanh Biển Hồ, phát triển quỹ đất phục vụ chiến lược trồng cây công nghiệp tiêu biểu như chè, cà phê và hồ tiêu. Năm 1983 ở phía đông bắc hình thành một hồ chứa nhân tạo sau khi công trình thủy lợi Biển Hồ hoàn thành, thường gọi là Biển Hồ chè (Hồ B), bắt đầu bổ sung nước vào hồ tự nhiên làm gia tăng mực nước Biển Hồ (Hồ A). Ngày nay, Biển Hồ tự nhiên vẫn nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng nhất cho cư dân thành phố Pleiku, Gia Lai.
Có nhiều truyền thuyết của người Jarai (Jrai hay Gia Rai) liên quan đến Biển Hồ và kèm theo một số dị bản. Báo Công An Nhân Dân Online ngày 08/05/2008 trong bài viết “Huyền thoại về Biển Hồ phố núi Pleiku” (http://cand.com.vn/van-hoa/Huyen-thoai-ve-Bien-Ho-pho-nui-Pleiku-59360/, truy cập 20/9/2018) có đăng như sau:
Biển Hồ có lẽ trở nên nổi tiếng hơn ở Việt Nam từ những năm 1990 nhờ một chàng trai gốc Hà Nội – nhạc sĩ Nguyễn Cường. Tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm mang âm hưởng Tây Nguyên, trong đó có ca khúc “Đôi mắt Pleiku”, với ca từ được lặp đi lặp lại, đi vào lòng người Việt Nam nhiều thế hệ “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Nhiều người hay ví Biển Hồ là “Đôi mắt Pleiku”. Không rõ liệu ý tứ thật sự ở “đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường ám chỉ đôi mắt người con gái trong bài hát, hay liệu liên quan với thực thể Biển Hồ tự nhiên. Một số thường coi “đôi mắt Pleiku” đơn giản là thực thể Biển Hồ với giải thích phổ biến như: Sau khi hoàn thành đập thuỷ lợi (1983), đã tạo nên một hồ chứa lớn ngay cạnh hồ tự nhiên Biển Hồ, diện tích mặt nước gần bằng diện tích hồ tự nhiên; hai hồ nối với nhau bởi kênh thông hồ nên từ không trung nhìn xuống giống như đôi mắt (Lưu Văn Chuông – blogger Song Việt http://nguyensongviet3979.blogspot.com/). Ngày nay, đa số du khách thăm quan Biển Hồ thường ghé thăm một bán đảo dài nhất, nổi bật nhất mang hình hài của đầu con rùa ở phía tây nam Biển Hồ, gần cổng nhà máy nước Biển Hồ. Bán đảo với hoàng thông xanh mát gần như quanh năm và phía cuối có điểm nhấn là lầu vọng cảnh (nhà lục giác), đặt tại vị trí tượng phật những năm 1970. Đây là khu vực lý tưởng để chụp ảnh, là cảm hứng cho các bức ảnh biểu trưng của thắng cảnh Biển Hồ. Có một số quy hoạch và dự án phát triển du lịch Biển Hồ được phê duyệt nhưng chưa khi nào trở thành hiện thực. Nửa cuối năm 2018, khu vực lầu vọng cảnh đang bị dỡ bỏ để tái dựng tượng Quan thế âm Bồ tát (Báo Giao thông Online, ngày 27/5/2018 http://www.baogiaothong.vn/bo-nha-vong-canh-de-dung-tuong-phat-tai-doi-mat-pleiku-d257308.html, truy cập 20/9/2018).
Về Biển Hồ Pleiku còn có nhiều huyền thoại khác như chuyện kể rằng hồ sâu không đáy và thông ra tận Biển Đông. Chẳng hạn, câu chuyện về những người làm gỗ ở Gia Lai, họ chỉ cần thả những lóng gỗ xuống Biển Hồ, một đêm xuống cảng Quy Nhơn, Bình Định có thể lấy gỗ đem bán. Ở Biển Hồ hàng năm có khá nhiều người, gồm cả người lớn và trẻ em, chết vì đuối nước. Có nhiều người bế tắc trong cuộc sống cũng chọn Biển Hồ để quyên sinh. Có tin còn cho rằng mặc dù gia đình thuê thợ lặn giỏi về mò, nhưng không vớt được xác vì biển sâu không đáy, người thân chỉ còn cách chờ cho xác nổi lên. Có lời đồn nơi đây tìm thấy rất nhiều xác chết nạn nhân sau nhiều ngày mất tích. Có lời đồn rằng có nghĩa địa khổng lồ dưới lòng Biển Hồ… Những lời đồn làm bí ẩn về Biển Hồ ngày càng tăng lên (Văn Công Hùng (2006), Bí ẩn Biển Hồ, http://vanconghung.vnweblogs.com/a7090/bi-an-bien-ho-pleiku.html, truy cập 20/9/2018). Hiển nhiên không đâu trên thế giới có hồ không đáy. Tìm kiếm thông tin chính thức về độ sâu Biển Hồ cho kết quả rất khác nhau: 40 m, 23 m, 15-18 m, 12-19 m,…Có thể các số liệu trên thể hiện giá trị của các điểm đo sâu riêng lẻ. Cho đến năm 2016, chưa có bản đồ độ sâu đáy Biển Hồ nào được công bố.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc Gia Hà Nội (sau lấy tên EOS) bắt đầu thảo luận về việc tổ chức khảo sát Biển Hồ với TS. Arndt Schimmelmann từ ĐH Indiana, Hoa Kỳ. Với kinh phí hạn hẹp và trang thiết bị tối giản, đợt khảo sát đầu tiên ở Biển Hồ được thực hiện vào tháng 3/2016. Do bản chất nhạy cảm của Biển Hồ, là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho thành phố Pleiku, mọi hoạt động di chuyển bằng thuyền, đặc biệt là thuyền máy đều bị hạn chế. Chỉ có một người đàn ông lớn tuổi cư ngụ ở phía bắc Biển Hồ được phép vận hành thuyền máy chuyên vớt những nạn nhân đuối nước. Thông qua một cán bộ ở Pleiku, nhóm đã liên hệ với chủ thuyền để thuê phương tiện đi khảo sát Biển Hồ trong hai ngày. Mặc dù đã liên hệ trước một ngày, chủ thuyền cương quyết không cho biết giá thuê phương tiện là 2.000 Đôla Mỹ cho đến buổi sáng khi nhóm bắt đầu chuẩn bị dụng cụ đi khảo sát. Mất một thời gian thương lượng, giá thuê cho hai ngày làm việc được giảm xuống còn 1.000 Đôla Mỹ. Ông Đỗ Văn Thạch, một cư dân khác ở phía đông nam Biển Hồ được chủ thuyền thuê để vận hành thuyền máy, dẫn đoàn khảo sát.
Sau khi vượt qua cú sốc về phí tổn phải trả để thuê phương tiện, nhóm bắt đầu hành trình khám phá Biển Hồ với mục tiêu thu thập thông tin chung về độ sâu và lấy thử nghiệm mẫu trầm tích nguyên dạng nhằm đánh giá tiềm năng của trầm tích Biển Hồ đối với nghiên cứu cổ khí hậu và cổ môi trường. Để đo độ sâu đáy hồ nhóm sử dụng máy dò cá Garmin STRIKE 4 fishfinder, hoạt động dựa trên nguyên lý hồi âm. Thiết bị gồm có ba thành phần chính: (1) bộ thu phát tín hiệu hồi âm (transducer); (2) máy thu; và (3) nguồn điện 12V. Ngay sau khi thuyền rời bến hướng vào trung tâm miệng núi lửa phía bắc, nhóm để ý thấy điều đặc biệt đầu tiên thể hiện trên màn hình máy đo sâu hồi âm: độ sâu từ 1-2 m nước ở gần bờ, tăng đến 5-6 m khi ra xa vài mét và đột ngột sụt xuống đến 14 m, rồi 17 m và duy trì ổn định trong khoảng 17-19 m ở trung tâm hồ phía bắc. Độ sâu thay đổi nhanh ở ven bờ như vậy rất đặc trưng của hồ núi lửa, có thể là một trong số các nguyên nhân chính khiến phổ biến xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở Biển Hồ nhiều năm qua.
Đáy Biển Hồ hiển thị trên màn hình thiết bị không hề lởm chởm đá với các hốc lồi hốc lõm dị thường như người ta vẫn nghĩ, mà khá bằng phẳng, phủ bởi các lớp bùn dày có thể lên đến hàng chục mét. Điều thú vị là có rất ít cá xuất hiện trên màn hình thiết bị theo dõi độ sâu. Để kiểm chứng độ sâu hiển thị trên thiết bị và cũng để lấy mẫu bùn phía dưới đáy, nhóm đã nối các ống nhựa PVC thả xuống nước cho đến độ sâu đã ước tính sẵn theo máy đo sâu. Mặc dù không thể đưa ống chứa trầm tích nguyên dạng trong ống PVC lên boong thuyền sau vài lần thử, bùn bám ở phía ngoài đầu ống PVC cộng với nước hồ bị vẩn đục cho thấy hệ ống lấy mẫu trầm tích đã chạm tới đáy hồ. Sóng và gió thật sự là thách thức lớn khi làm việc trên Biển Hồ. Sau những thử nghiệm lấy mẫu trầm tích thất bại ở ngày đầu tiên, nhóm quyết định di chuyển đến miệng núi lửa trung tâm của Biển Hồ trong ngày làm việc thứ hai. Độ sâu mực nước cực đại ở hồ trung tâm khoảng 21 m. Tại rìa tây nam của hồ trung tâm – phía tây bắc bán đảo hình đầu rùa, nhóm đã lần đầu tiên thành công trong việc lấy mẫu trầm tích nguyên dạng ở Biển Hồ. Sau cùng, khảo sát trung tâm của miệng núi lửa thứ ba – phía đông nam bán đảo hình đầu rùa cho độ sâu cực đại cỡ 14 m. Cũng trong đợt khảo sát này, nhóm có cơ duyên gặp gỡ nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc Điệp tại Biển Hồ, người sau này có những đóng góp quan trọng cho sự thành công của nhóm EOS.
Qua bốn đợt thực địa trong hai năm từ tháng 3/2016 đến 3/2018, hơn 4.500 điểm đo sâu theo tuyến trong Biển Hồ đã được ghi nhận (Hình 1, trái). Kết hợp số liệu của các đợt đo khác nhau, có hiệu chỉnh thay đổi mực nước căn cứ theo mặt đập ngăn kênh thông hồ, cho phép thành lập sơ đồ độ sâu đáy Biển Hồ khá chi tiết (Hình 2). Kết quả cho phép xác thực một số thông tin về hồ tự nhiên Biển Hồ (Hồ T’Nưng) (Bảng 1).
Bảng 1: Những thông tin xác thực về hồ tự nhiên Biển Hồ (Hồ T’Nưng)
Tổng hợp một số sự kiện chính ở Biển Hồ, chủ yếu liên quan đến đặc điểm thủy văn, theo dòng thời gian dựa trên những tài liệu khoa học, bản đồ cổ và bức ảnh lịch sử:
Khoảng 200 ngàn năm (tức 0,2 triệu năm) cách ngày nay: Phun trào núi lửa tạo nên hồ núi lửa Biển Hồ, với ba miệng núi lửa liên thông nhau.
Những năm 1960: Độ cao mực nước vào mùa mưa đạt đến cao trình gần 740 m so với mực nước biển, gần tương tự như ngày nay. Mùa khô mực nước hồ rút, làm lộ ra bậc thềm tương đối rộng cho phép đỗ xe tải của quân đội Hoa Kỳ hoặc Việt Nam Cộng hòa. Biển Hồ được sử dụng cho mục tiêu giải trí, tiêu khiển dẫn tới sự suy thoái môi trường nghiêm trọng. Xây dựng tượng phật tại cực đông của đảo hình đầu rùa. Cầu phao Kỳ Ngộ được xây dựng nối bán đảo đầu rùa với bờ hồ phía đông (phía nhà máy nước Sài Gòn – Pleiku ngày nay).
1966: Lắp đặt trạm bơm nước ở phía tây bắc bán đảo hình đầu rùa, cấp nước cho khu vực lân cận căn cứ Không quân Hoa Kỳ ở Pleiku. Trạm bơm xưa nhất, ngày nay nâng cấp thành nhà máy nước Biển Hồ.
1971 (?): Khánh thành tượng phật ở bán đảo đầu rùa (Phạm Ly, Báo Lao động online, 2018)
1978-1984: Xây dựng Công trình thủy lợi Biển Hồ tạo nên một hồ chứa nhân tạo ở phía đông bắc Biển Hồ, tên thường gọi là Biển Hồ chè. Các hạng mục chính gồm: đập đất chặn dòng suối Ia Nhing, kênh thông hồ (gần cầu treo ngày nay) và tràn xả lũ (cạnh nhà “ông già Biển Hồ” Quách Trọng Hoan). Nước từ hồ thủy lợi khi vượt qua cao trình 738 m sẽ chảy tự do qua kênh thông hồ vào Biển Hồ khiến mực nước trong hồ tự nhiên dâng cao, có thể đạt cực đại vào mùa lũ đến cao trình 745 m (theo Lưu Văn Chuông – blogger Song Việt, trao đổi riêng).
1988 (?): Tượng phật ở bán đảo đầu rùa bị dỡ bỏ do xuống cấp (Phạm Ly, Báo Lao động online, 2018).
Những năm 1990: Hoạt động di dân kinh tế mới đến vùng Tây Nguyên nói chung và Biển Hồ nói riêng. Biển Hồ được công nhận Di tích Lịch sử Văn Hóa (Bộ Văn hóa, 1988). Hoạt động giải trí, đánh bắt thủy sản bị hạn chế. Bài hát “Đôi mắt Pleiku” – Nguyễn Cường ra mắt. Khai quật di chỉ khảo cổ bờ đông nam Biển Hồ (Nguyễn Khắc Sử và nnk, 1993; công bố 1995). Rừng thông được trồng phổ biến quanh hồ (1996). Lầu vọng cảnh (nhà lục giác) được xây dựng tại bán đảo đầu rùa (1998).
2011: Xây dựng đập bê tông ngăn kênh thông hồ, đến cao trình 745 m.
2015: Nhà máy nước Sài Gòn – Pleiku, nhà máy nước thứ hai ở Biển Hồ, khánh thành ở bờ phía đông.
2016: Nhóm EOS khảo sát Biển Hồ lần thứ nhất.
2018: Lầu vọng cảnh (nhà lục giác) ở bán đảo hình đầu rùa được dỡ bỏ, quy hoạch lại, xây dựng tượng phật.
Rút kinh nghiệm sau chuyến khảo sát thử nghiệm đầu tiên, tháng 12/2016 nhóm EOS trở lại Biển Hồ lần thứ hai với bè nổi được làm từ hai thuyền hơi ghép bằng sàn gỗ. Nhờ thiết bị lấy mẫu trọng lực tự chế tạo, nhóm đã lấy thành công 8 mẫu trầm tích nguyên dạng có độ xuyên sâu 50-70 cm . Nhóm nghiên cứu quay lại Biển Hồ lần thứ ba và thứ tư vào tháng 11/2017 và tháng 3/2018 với bè nổi thậm chí vững chắc hơn cùng thiết bị lấy mẫu tự chế tạo mới, có khả năng đạt đến độ sâu lớn hơn trong trầm tích.
Qua bốn đợt thực địa trong hai năm từ tháng 3/2016 đến 3/2018, nhóm đã thành công trong việc lấy mẫu trầm tích nguyên dạng tại nhiều vị trí ở Biển Hồ đến độ sâu 6 m trong điều kiện mực nước hồ sâu đôi khi đến ~21 m. Các lớp màng nhầy mỏng có thể quan sát thấy lặp lại ở nhiều ống mẫu, phủ lên các trầm tích giàu vật liệu hữu cơ (Hình 3). Qua đó, đã chứng minh sự có mặt của trầm tích bảo tồn tính phân lớp, cho thấy trầm tích Biển Hồ có triển vọng cho nghiên cứu biến đổi lượng mưa trong quá khứ và thay đổi môi trường qua hàng ngàn năm.
Những độc giả băn khoăn xem Biển Hồ có đáy hay không chắc hẳn đã có câu trả lời ở ngay phần đầu của bài viết. Hình thành từ miệng núi lửa đã tắt cách ngày nay ít nhất khoảng 200 ngàn năm, Biển Hồ ngày nay hiển nhiên có đáy. Câu hỏi mới nảy sinh là liệu các lớp trầm tích đã tích tụ trong hơn 200 ngàn năm qua ở đáy Biển Hồ dày đến đâu? Nó giúp giải mã những thông tin nào về cổ khí hậu và cổ môi trường khu vực Tây Nguyên? Nghiên cứu giúp ích gì cho quy hoạch, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước cho thành phố Pleiku? Đó là những mục tiêu nhóm EOS đang hướng đến giải quyết trong tương lai.
Nhóm EOS hiện tại mới đạt được một vài thành công bước đầu trong nghiên cứu trầm tích Biển Hồ, tuy nhiên đây là động lực mạnh mẽ để nhóm phấn đấu hướng tới một phòng thí nghiệm cổ hồ học tại Khoa Địa chất. Để đạt được mục tiêu trên chúng tôi hiểu rằng còn nhiều thách thức chờ đón phía trước.
Kinh nghiệm của nhóm EOS chỉ ra rằng các nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển với nguồn kinh phí hạn chế có thể đạt được các kết quả nghiên cứu tốt nếu nỗ lực hết mình, xây dựng mạng lưới cộng tác, làm việc nhóm tin cậy và có sự cố vấn của các chuyên gia nước ngoài. EOS may mắn nhận được hỗ trợ không ngừng nghỉ đến từ bạn bè và đối tác khoa học trên thế giới, cả đến những nhiếp ảnh gia và blogger tài năng ở Pleiku, sự quan tâm của Khoa Địa chất và của những sinh viên VNU vô cùng nhiệt huyết. Chúng tôi xin cảm ơn tất cả những sự ủng hộ quý báu đó dành cho nghiên cứu Biển Hồ.
Qua bốn đợt thực địa trong hai năm từ tháng 3/2016 đến 3/2018, nhóm đã thành công trong việc lấy mẫu trầm tích nguyên dạng tại nhiều vị trí ở Biển Hồ đến độ sâu 6 m bằng các thiết bị tự chế tạo gồm ống lấy mẫu trọng lực (AGC), ống piston và nêm băng khô. Các kết quả khảo sát bước đầu đã chứng minh điều kiện yếm khí ở đáy Biển Hồ cho phép bảo tồn nguyên dạng các trầm tích phân lớp mỏng hiện đại khỏi nguy cơ xáo trộn do sinh vật bám đáy. Các phân tích trầm tích, khoáng vật, địa hóa và bào tử-phấn hoa đang được thực hiện. Dựa trên số liệu quét độ từ cảm và XRF đã liên kết và xây dựng thang độ sâu chung cho các ống trầm tích thu thập được. Đặc biệt, hiện tổng số 19 mẫu các mảnh lá, cỏ và cành cây bảo tồn tốt nhất trong trầm tích được định tuổi đồng vị carbon bằng AMS tại PTN NOSAMS (Viện Hải dương học Woods Hole, Hoa Kỳ) đều cho sai số vô cùng nhỏ với giá trị tuổi cổ nhất khoảng 12,000 năm cách ngày nay tại độ sâu trầm tích gần 6m. Mặc dù tài liệu ghi nhận về ảnh hưởng của các vụ thử hoặc sự cố hạt nhân còn khá hạn chế ở Việt Nam, bước đầu đã nhận dạng ba cực trị của Cs-137 trong khoảng 60 năm qua trong trầm tích Biển Hồ. Từ đó cho thấy tốc độ trầm tích hiện tại gia tăng đáng kể do hoạt động của con người. Hàm lượng nước, tổng hàm lượng carbon, nitro và sulfur xác định dọc theo độ sâu các ống mẫu cho thấy một số giá trị cực tiểu của C, N và S hữu cơ tương ứng với sự phong phú của thành phần vô cơ, có thể liên quan đến hiện tượng gia tăng bào mòn trong thế kỷ 20. Kết quả bước đầu phân tích biomarker nhờ GC-MSD cho thấy khá phổ biến thành phần sáp biểu bì lá cây trong trầm tích, chúng sẽ được sử dụng để nghiên cứu sự thay đổi của thực vật thủy sinh cũng như lớp phủ thực vật trên cạn xung quanh hồ theo thời gian. Giá trị δ2H của các biomarker sẽ cung cấp thông tin về lượng mưa/độ ẩm trong quá khứ, góp phần giải mã lịch sử hoạt động cổ gió mùa.
Theo eosvnu.net
Có thể bạn quan tâm: