Sau sốt vàng có phải là sốt đất?

TS. Nguyễn Đức Hưởng – cựu Chủ tịch LienVietPostBank cho rằng cuối năm 2021, thị trường BĐS không những trầm lắng mà còn “sốt”.


TS. Nguyễn Đức Hưởng, Nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nêu góc nhìn: “Tôi cho rằng, Covid-19 chính là một cuộc cách mạng”. Cách mạng ở đây chính là việc thay cũ đổi mới, và Covid-19 làm hộ chiếu Việt Nam trở nên rất có giá, từ đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn về Việt Nam.

Đồng thời, căng thẳng Mỹ – Trung Quốc giúp Việt Nam là người được lợi. Ông Hưởng cho biết có nhiều bạn bè đã đem tiền đầu tư ở nước ngoài cũng đang rục rịch muốn quay trở về Việt Nam. Với việc kiểm soát được dịch Covid-19, vị chuyên gia này tín rằng GDP Việt Nam tăng trưởng dương là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn tăng trưởng vượt kế hoạch.

Theo đó, ông Hưởng dự tính: “Sau chứng khoán, vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi”.
TS. Nguyễn Đức Hưởng cho biết cách đây 10 năm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà ông gặp từng nói rằng nếu đầu tư bất động sản ở Việt Nam thì chỉ có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…”Quan điểm đó giờ đã lỗi thời”, ông Hưởng nói và cho biết những khu đất mà trước đây người ta chê bai, nhưng giờ đây giá đã lên gấp đôi.

Với nhà đầu tư cá nhân, dù ít tiền hay nhiều tiền thì ông Hưởng vẫn khuyến
nghị đầu tư vào đất. Tuy nhiên cần phải tính đến có đầy đủ hồ sơ pháp lý và không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều.

“Từng nhiều năm làm ngân hàng, tôi không khuyên dùng đòn bẩy, tôi cũng không nói tỷ lệ bao nhiêu, với tỷ lệ 70% được vay tối đa. Nhưng nếu bất động sản đó cho thuê thu được trả được tiền lãi ngân hàng và dư ra một tý thì tại sao không! Nếu mà khuyên bao nhiêu phần trăm cho vừa, thì nên khoảng 40% đổ lại.

Còn chúng tôi cho vay thì 30% có khi không cho vay, nhưng với người khác 70% cũng cho vay bởi người đó có nguồn thu bù lại. Chúng ta phải biết sợ rủi ro, nhưng quản trị được rủi ro thì siêu lợi nhuận”, ông Hưởng chia sẻ.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại ông Hưởng nêu cơ sở chúng ta nhận thấy thị trường BĐS Việt Nam đang mất cân đối, cầu đang chờ cung do chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý để cung có hàng.

Về cơ chế, chúng ta cần học Singapore và Úc. Chúng ta có cơ chế cho người nước ngoài mua BĐS tại Việt Nam nhưng kèm theo đó rất nhiều vướng mắc khiến họ không mua được. “Chúng ta bán bia nhưng lại muốn bán thêm cả lạc”.Ở Singapore hay Úc thì mọi chuyện rất khác. Người nước ngoài có thể mua BĐS một cách dễ dàng, chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về thuế.

Là người nhiều năm trực tiếp làm lãnh đạo NHTM, TS. Nguyễn Đức Hưởng nhận định thêm: “Với trong ngành tài chính ngân hàng, ngân hàng nào có thể đi trước đón đầu, có những gói cho vay với lãi suất phù hợp với BĐS thì khi thị trường phục hồi, ngân hàng đó sẽ lãi lớn”.
                                                                                                 Theo Cafef.vn

Xem thêm: 

Khu công nghiệp Cam Ranh sẽ có nhà đầu tư mới

Từ trước đến nay đã có một số nhà đầu tư tiếp cận dự án Khu Công nghiệp (KCN) Nam Cam Ranh. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến dự án này bị lỡ nhịp.

Hai lần lỡ nhịp

Dự án KCN Nam Cam Ranh (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) có tổng diện tích khoảng 352ha, mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp nhẹ… ít gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, KCN Nam Cam Ranh có vị trí liền kề với khu quy hoạch phát triển đô thị nên khá thuận lợi để phát triển mô hình KCN, dịch vụ, đô thị ven biển, gắn với vịnh Cam Ranh. Dự án có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường biển, đường không, đường bộ và đường sắt, với các cơ sở hạ tầng sẵn có, đang khai thác như: Sân bay quốc tế Cam Ranh, Cảng tổng hợp Cam Ranh, kết nối đường sắt quốc gia, Quốc lộ 1 và kết nối với vùng Tây Nguyên theo Quốc lộ 27 qua tỉnh Ninh Thuận…

Tuy có rất nhiều điểm thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, song dự án này đã nhiều lần trắc trở. Ngay từ năm 2009, Ban quản lý (BQL) Khu Kinh tế Vân Phong đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Nam Cam Ranh cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang, hiện nay là Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (được Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin giao làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng). Sau gần 10 năm không triển khai, năm 2017, dự án này bị thu hồi để thu hút các nhà đầu tư mới. Tiếp đó, năm 2018, Tổng Công ty Becamex IDC (tỉnh Bình Dương) xin nghiên cứu để đầu tư. Tuy nhiên, thay vì chỉ đầu tư KCN Nam Cam Ranh theo quy hoạch, chủ đầu tư đề xuất thành lập dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh với diện tích khoảng 1.050ha, gồm: KCN Nam Cam Ranh với diện tích tối thiểu 550ha và Khu đô thị, dịch vụ liền kề với diện tích khoảng 500ha. Chính vì diện tích quá lớn nên dự án phải điều chỉnh nhiều hạng mục và các quy hoạch trước đó. Chỉ tính riêng hạng mục KCN Nam Cam Ranh, phần lớn diện tích bị chia cắt bởi dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và dự án Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Tổng Công ty Becamex IDC đã đề nghị điều chỉnh hướng tuyến, hành lang an toàn và phương án xây dựng trạm thu phí vào cao tốc. Song, dự án Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã được UBND TP. Cam Ranh triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo hướng tuyến đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, vì vậy, việc đề xuất điều chỉnh là không phù hợp. Ngoài ra, dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh còn bị hạn chế bởi vành đai an toàn quân sự và nhiều hạng mục khác nên không khả thi. Với những vướng mắc không thể giải quyết, Tổng Công ty Becamex IDC xin tạm dừng nghiên cứu đầu tư.

Kỳ vọng vào nhà đầu tư mới

Theo lãnh đạo BQL Khu Kinh tế Vân Phong, ngay sau khi Tổng Công ty Becamex IDC xin tạm dừng nghiên cứu đầu tư dự án Khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ đô thị cảng biển Nam Cam Ranh, Công ty Đầu tư KCN Vinhomes đã xin đầu tư vào dự án KCN Nam Cam Ranh.

Được biết, Công ty Đầu tư KCN Vinhomes trực thuộc Vingroup, có định hướng phát triển bất động sản nhà ở, văn phòng và KCN. Với nhà đầu tư nhiều tiềm năng này, chính quyền địa phương kỳ vọng dự án KCN Nam Cam Ranh sẽ sớm được triển khai, tạo động lực để khu vực Cam Ranh nói riêng và phía nam tỉnh nói chung phát triển. Ông Hoàng Đình Phi – Trưởng BQL Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, ngày 9-7, BQL Khu Kinh tế Vân Phong đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét chấm dứt việc nghiên cứu đầu tư dự án của Tổng Công ty Becamex IDC và cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes nghiên cứu đầu tư KCN Nam Cam Ranh (350ha) theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Vinhomes được đầu tư thì sẽ không gặp những vướng mắc tương tự Tổng Công ty Becamex IDC, việc triển khai khả thi hơn rất nhiều.

Theo Baokhanhhoa.vn
Link: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202009/khu-cong-nghiep-nam-cam-ranh-se-co-nha-dau-tu-moi-8181661/

Khẩn trương di dời công trình hạ tầng kỹ thuật dự án cao tốc Bắc – Nam

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo khẩn về việc thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở: Giao thông vận tải (GTVT), Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thành phố: Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh; Ban Quản lý Dự án 85, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ văn bản của Bộ GTVT, chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp, triển khai thực hiện hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt, triển khai thi công di dời), đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn đi qua tỉnh.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, hội đồng giải phóng mặt bằng, đơn vị tư vấn thiết kế di dời các công trình thiết yếu, lập hồ sơ thiết kế di dời, đảm bảo yếu tố kinh tế – kỹ thuật, tiết giảm tối đa kinh phí giải phóng mặt bằng nhưng phải đảm bảo an toàn kết cấu công trình trong quá trình khai thác đường cao tốc theo quy định để thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền, làm cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định. Ban Quản lý Dự án 85 có trách nhiệm kiểm tra, rà soát quy mô, vị trí, khối lượng… các công trình hạ tầng kỹ thuật do UBND tỉnh đề nghị Bộ GTVT chấp thuận và thực hiện các công việc tiếp theo đúng quy định…
Theo Baokhanhhoa.vn
Link: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/202009/khan-truong-di-doi-cong-trinh-ha-tang-ky-thuat-du-an-cao-toc-bac-nam-8181673/

Căn hộ cho thuê ế ẩm vì dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư khóc ròng

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường căn hộ cho thuê đóng băng khiến nhà đầu tư méo mặt.

Xem thêm:

Một số chuyên gia BĐS nhìn nhận, thị trường căn hộ cho thuê vô cùng khó khăn trong năm 2020 và sẽ còn kéo dài tới năm 2021, bởi nền kinh tế đi xuống, thu nhập giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng khách ngoại cũng chưa trở lại làm việc tại Việt Nam nhiều trong năm 2020.

Bên cạnh đó, thị trường nhà chung cư cho thuê sẽ cạnh tranh cực lớn. Nguyên nhân là do nguồn cung hiện quá nhiều. Từ năm 2017 tới nay, nhiều dự án chung cư bàn giao và lượng khách mua nhà để đầu tư cho thuê luôn chiếm tỷ lệ trên 30%, chưa kể lượng khách hàng đầu tư thứ cấp, mua để bán, khi không bán được thì xoay ra cho thuê căn hộ.

Bà Từ Thị Hồng An nhận định, tình hình hoạt động của căn hộ dịch vụ nửa cuối năm sẽ vẫn phải chịu áp lực do “sự không chắc chắn” trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19. Hiệu suất vững chắc được kỳ vọng tập trung vào nguồn khách ở dài hạn. Đặc biệt, vào nửa cuối năm, nhu cầu sẽ phần nào được cải thiện với hơn 7.000 lao động nước ngoài được đề nghị ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam.

Mua căn hộ rồi cho thuê lại trước đây là cách đầu tư mang lại lợi nhuận khá tốt cho các nhà đầu tư bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phân khúc nhà cho thuê như rơi xuống “vực thẳm”, khiến các chủ nhà “vỡ mộng”.

Chị Nguyễn Quỳnh Anh (Đống Đa, Hà Nội), mua 2 căn hộ ở 28 Trần Hữu Dực (Hà Nội) với kỳ vọng cho người nước ngoài thuê. Tuy nhiên, từ khi nhận nhà tháng 1/2020 trùng với thời điểm Tết và dịch Covid-19 xảy ra, nên chị không thể cho thuê được, cộng với áp lực trả ngân hàng mỗi tháng 50 triệu đồng cả gốc và lãi, vì vậy chị quyết định bán cắt lỗ.

“Tôi bỏ ra hơn 6 tỷ đồng để mua 2 căn hộ đầu tư, nhưng giờ khách thuê không có, trong khi tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả, tôi đành phải bán cắt lỗ mỗi căn 300 triệu đồng”, chị Quỳnh Anh nhăn nhó.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, hàng nghìn căn hộ chung cư đang cho thuê tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông… đang có giá chào thuê giảm mạnh.

Xem thêm Căn hộ The Light Phú Yên

Căn hộ 2 phòng ngủ 70m2 đang có giá chào chỉ 7-8 triệu đồng/tháng, căn 3 phòng ngủ trên 100m2 có giá chào thuê chỉ 10-13 triệu đồng/tháng. Những căn studio 1 phòng ngủ có giá chỉ dao động quanh 4-5 triệu đồng. Mức giá cho thuê hiện nay đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, cả những căn biệt thự cũng giảm 30-40% so với thời điểm trước dịch.

Việc giảm giá thuê là tất yếu, khi các khách thuê là người nước ngoài chưa thể quay trở lại Việt Nam làm việc, cũng như nhiều gia đình thu nhập giảm sút không thể đủ tài chính thuê những căn hộ có đầy đủ tiện ích.

Đặc biệt, thị trường nhà cho thuê tại TP.HCM cũng rơi vào tình cảnh “thảm thương”, khi số lượng căn hộ trống ngày một tăng, giá thuê giảm mạnh.

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc bộ phận cho thuê Thương mại, Savills TP.HCM cho biết, căn hộ cho thuê quý II tại TP. HCM giảm 5 điểm phần trăm theo quý và giảm 19 điểm phần trăm theo năm. Công suất hoạt động của hạng B bị ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc vào nguồn khách ở ngắn hạn, giá thuê giảm còn 23 USD/m2/tháng.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thị trường căn hộ cho thuê lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay vì trong thời gian qua, phân khúc chung cư, nhà phố đang lệch pha. Giới đầu cơ thường chọn chung cư cao cấp để mua với mục đích đầu tư cho thuê, trong khi nhu cầu thuê nhà cao cấp tại Việt Nam hiện nay đa phần là các chuyên gia nước ngoài hoặc giới kinh doanh sang Viêt Nam làm việc thời vụ.

Đánh giá về việc đầu tư BĐS cho thuê trong thời điểm này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, muốn thu được lợi nhuận cao phải là người đầu tư ngay từ ban đầu, khi hạ tầng mới bắt đầu được hình thành. Hơn nữa, điều này chỉ dành cho đất nền, chứ chung cư hiện nay không thể mua đầu tư được. Nếu cho thuê thì trước tháng 1/2020 còn khả quan, nhưng hiện nay do dịch bệnh, nhiều khách nước ngoài chưa thể sang Việt Nam du lịch, cũng như chưa quay trở lại làm việc, thì đây đang là một kênh đầu tư kém hiệu quả.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho rằng, việc đầu tư chung cư cho thuê chỉ phát đạt cách đây 10 năm, khi nhiều người chưa thể mua nhà được, thu nhập chưa khấm khá. Đầu tư thời gian gần đây cho thuê tốt, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên kinh doanh giảm sút. Đơn cử như nếu một căn hộ 100 m2 ở thời điểm trước dịch tại TP. HCM có thể cho thuê hơn 25 triệu đồng, tại Hà Nội cùng phân khúc và cùng diện tích được khoảng 20 triệu đồng. Nhưng nay giá giảm 30-40% vẫn rất khó tìm được khách thuê.

Theo Baoxaydung.com.vn

Cam Ranh – Thành phố trẻ chuyển mình

Sau 10 năm lên thành phố, Cam Ranh (Khánh Hòa) đã vươn mình với sức sống của thành phố trẻ có nhiều tiềm năng về kinh tế biển; đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Đổi thay một vùng đất

Chúng tôi trở lại Cam Ranh khi ngày kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2-9 đã cận kề. Mùa thu 1945, lực lượng khởi nghĩa đã chiếm Nha đại diện hành chính huyện Ba Ngòi (nay là TP. Cam Ranh) tuyên bố thành lập Ủy ban hành chính cách mạng lâm thời. Nha đại diện hành chính Ba Ngòi xưa, hiện nay là Nhà Văn hóa truyền thống TP. Cam Ranh (số 82 đường Nguyễn Trọng Kỷ, phường Cam Linh). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, căn nhà xưa được xây theo kiến trúc Pháp vẫn còn khá nguyên vẹn! Trong ánh nắng vàng rực rỡ của ngày đầu thu, tấm bia Di tích lịch sử cách mạng nằm dưới gốc phượng già đang nở hoa đỏ rực như nhắc nhở cháu con nhớ về quá khứ hào hùng của cha ông!

Trong ký ức lớp người cao tuổi ở Cam Ranh, vùng đất này ngày xưa rất nghèo khó. Ngoại trừ trung tâm Ba Ngòi, khu phố Đá Bạc và các vùng phụ cận, còn lại cả vùng rộng lớn nhà cửa còn tạm bợ. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản bằng chài lưới. Sự nghèo khó ấy còn đeo đẳng suốt mấy chục năm sau. Cho đến bây giờ, ông Trần Chí Bằng – Chủ tịch UBND phường Cam Linh vẫn nhớ như in ngày theo cha (cán bộ đi tập kết) từ miền Bắc về lại Cam Ranh vào năm 1976: “Lúc đó, cả vùng đất Cam Linh toàn nhà vách đất lợp tôn, lợp tranh rất tạm bợ. Người dân chủ yếu đánh bắt thủy sản ven bờ, đời sống bấp bênh. Rẫy xoài, vườn dừa chạy dài đến sát mép biển. Đường sá đi lại chủ yếu là đường đất, chỉ có khu vực trung tâm có điện”.

Tương tự, ông Phạm Tấn Nhiều – nguyên Bí thư Đảng ủy phường Cam Nghĩa cũng chưa quên sự gian khó của Cam Ranh sau ngày giải phóng. Điện, đường, trường, trạm vẫn còn tạm bợ. Mùa mưa, học sinh phải học trong trường dột nát. “Quá nhiều nỗi khổ, nhưng khổ nhất là chuyện thiếu nước. Vì thiếu nước, đơn vị của tôi (Sư đoàn Phòng không 377) phải xây dựng bể nước, rồi đem xe chở nước cho người dân đến lấy về dùng”, ông Nhiều kể.

Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đời sống người dân vẫn còn khá khó khăn, rất ít gia đình mua được xe máy và các phương tiện nghe nhìn hiện đại. “Lúc đó, nhà tôi sắm được chiếc tivi màu hàng thải của Nhật, cả xóm kéo đến xem. Trong nhà cũng chỉ có mỗi cái quạt máy nên mùa hè ngủ chẳng bao giờ ngon giấc vì nóng nực”, ông Trần Hữu Ninh – nguyên Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Cam Linh nhớ lại.

Năm 2010, Cam Ranh được công nhận là thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh. Theo thời gian, đời sống người dân ngày càng khấm khá. Trên đường 3-4 từ trung tâm thành phố chạy về Cam Linh, hai bên đường nhà cửa, siêu thị, hàng quán buôn bán sầm uất. Ông Trần Chí Bằng cho biết, cơ cấu kinh tế của phường phát triển theo hướng thương mại – dịch vụ và thủy sản. Trên địa bàn phường hiện nay có hàng chục hộ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thu nhập 1 – 2 tỷ đồng/năm. Số hộ có xe hơi lên đến 15 – 20%. Tỷ lệ hộ nghèo của phường chỉ còn 0,56% (14/2.400 hộ). Các gia đình chính sách được chăm lo, không còn hộ nghèo, cận nghèo. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong phường cũng được đảm bảo.

Ở phía bắc thành phố, phường Cam Nghĩa từ vùng đất hoang sơ nay cũng có nhiều đổi thay. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy – Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa cho biết, kinh doanh thương mại trên địa bàn phường khá đa dạng. Toàn phường có hơn 130 doanh nghiệp đang hoạt động, ngoài ra còn có 565 hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của phường chỉ còn 0,66%.

Kỳ vọng thành phố trẻ

Sau 10 năm lên thành phố, kinh tế – xã hội, đời sống dân sinh ở Cam Ranh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 – 2020, kinh tế của thành phố tăng bình quân 8,6%/năm; thu ngân sách tăng 18%/năm (dự kiến năm 2020 thu 447 tỷ đồng). Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 53,1%; thương mại – dịch vụ chiếm 29,4%; nông nghiệp chiếm 17,5%. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Cam Ranh còn 0,65%. Với lợi thế về đầu mối giao thương như: Sân bay Quốc tế Cam Ranh, cảng Cam Ranh (công suất bốc dỡ hàng hóa 2,5 triệu tấn/năm)… TP. Cam Ranh được kỳ vọng là đô thị hạt nhân, động lực quan trọng ở khu vực phía nam của tỉnh, có vai trò thúc đẩy sự phát triển chung của cả tỉnh, tác động tích cực đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, TP. Cam Ranh đầu tư xây dựng Công viên văn hóa rộng 3ha ở phường Cam Linh để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.


Theo ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, mới đây, các nhà đầu tư đã đưa vào vận hành Dự án Nhà máy điện mặt trời Tuấn Ân với công suất 10MWp và dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sông Giang với công suất 60MWp. Các nhà máy này sẽ góp phần nâng cao nguồn thu ngân sách của thành phố trong thời gian tới. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có hàng loạt dự án lớn, mang tính động lực phát triển nên những kỳ vọng về sự phát triển của Cam Ranh trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Nổi bật nhất là dự án KN Paradise Cam Ranh với diện tích 800ha (bao gồm các khách sạn 4 và 5 sao, câu lạc bộ golf, căn hộ, villa, công viên giải trí, casino…). Hiện nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng. Dự án Cảng cá động lực, thuộc Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa (1 trong 6 trung tâm nghề cá lớn của cả nước) có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng cũng được kỳ vọng tạo sự đột phá cho TP. Cam Ranh. Theo thiết kế, dự án có thể phục vụ cho tàu có công suất lên đến 2.000CV, giúp ngư dân khai thác tối đa nguồn lợi hải sản tại các ngư trường với lượng hàng qua cảng khoảng 120.000 tấn/năm. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động vào năm 2021. Bên cạnh đó, hiện nay, Công ty Cổ phần Vinpearl đang triển khai Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh. UBND TP. Cam Ranh cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các dự án: Khu dân cư chất lượng cao Cam Phú, Khu dân cư Phạm Văn Đồng và Bãi tắm số 4…

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Đức Hải – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Thời gian tới, Cam Ranh sẽ phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, tổ chức kết nối giữa đô thị cũ và đô thị mới để mở rộng không gian thành phố, từng bước xây dựng đô thị khang trang, hiện đại. Thành phố cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành quan tâm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và các cụm công nghiệp. Khi Khu Công nghiệp Nam Cam Ranh và Cụm Công nghiệp Cam Thịnh Đông đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển ngành thương mại, dịch vụ, là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương”.

Theo baokhanhhoa : https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202009/cam-ranh-thanh-pho-tre-chuyen-minh-8181433/