Áp lực chốt lời đứng trước Bitcoin sau đà tăng phi mã

Sau vài tuần leo dốc, giá Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác đứng trước nguy cơ giảm mạnh vì áp lực chốt lời lớn.

Vài tuần qua, giá tiền điện tử đã leo dốc. Chỉ số Tiền điện tử Bloomberg Galaxy – chỉ số đo lường hiệu suất của những đồng tiền điện tử phổ biến nhất – đã vượt ngưỡng kháng cự 600. Đây là ngưỡng kháng cự có từ giữa năm 2019.

Tuy nhiên, các phân tích kỹ thuật chỉ ra tiền điện tử khó tăng giá trong ngắn hạn. Đà tăng dài hạn của giá tiền điện tử vẫn còn, các tín hiệu bán có thể chỉ nằm trong đợt điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, chỉ số tiền điện tử có thể rơi xuống 500, tức sụt giảm 10% so với mức hiện tại.

“Sự phục hồi của sức mạnh đồng USD đã đè nặng lên tất cả tài sản rủi ro. Tiền điện tử có thể ‘hụt hơi’ sau khi tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 12 tháng hồi đầu tuần”, ông Edward Moya, chuyên gia phân tích cao cấp tại Công ty giao dịch ngoại hối Oanda bình luận.

Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 30% trong Chỉ số Tiền điện tử Bloomberg Galaxy. Giá đồng Bitcoin đã chạm ngưỡng 12.000 USD trong những ngày gần đây rồi lao dốc xuống 11.635 USD hôm 21/8.

Tính từ đầu năm cho đến nay, giá đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới đã tăng hơn 60%.

Tháng 3 năm nay, giá đồng Bitcoin rơi xuống mức đáy 4.904 USD/đồng do thị trường bất ổn vì tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, giá Bitcoin tăng trở lại quanh ngưỡng 9.000 USD.

Các chuyên gia thị trường cho biết Bitcoin tăng giá do đồng USD yếu đi trầm trọng. Những tháng gần đây, giá đồng bạc xanh lao dốc do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất thấp và nền kinh tế Mỹ suy thoái vì tác động của dịch Covid-19. Theo chuyên gia phân tích Simon Peters tại nền tảng đầu tư eToro, ngưỡng kháng cự tiếp theo của Bitcoin có thể là 14.000 USD.

Theo zing.vn

Tại Việt Nam các Casino đang hoạt động như thế nào?

Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của 8 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh casino đã tăng hơn gấp đôi từ mức 1.190 tỷ lên 2.500 tỷ.

Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng về việc xin chủ trương báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 03/2017 ngày 16/1/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino.

Trong tờ trình này, cơ quan quản lý đã cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh casino của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, trước khi Nghị định 03/2017 có hiệu lực, cả nước đã có 8 dự án kinh doanh casino được cấp phép, gồm 7 dự án đang triển khai hoạt động là casino Đồ Sơn (Hải Phòng); casino Lợi Lai, Hoàng Gia, khách sạn Hồng Vận cùng tại Quảng Ninh; casino khách sạn quốc tế Lào Cai (Lào Cai); casino Silver Shores (Đà Nẵng); casino Hồ Tràm (Bà Rịa – Vũng Tàu); và 1 dự án casino Nam Hội An (Quảng Nam) đang triển khai đầu tư.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng chấp thuận về chủ trương cho phép 4 dự án casino tại Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 03/2017, đã có 3 dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư kinh doanh và được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là casino Laguana Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), casino Phú Quốc (Kiên Giang) và casino Cam Ranh (Khánh Hòa).

Hiện tại, Bộ Tài chính cùng một số bộ đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino cho 3 doanh nghiệp. Trong đó có 1 doanh nghiệp xin cấp mới là casino Phú Quốc (Kiên Giang) đi vào hoạt động từ tháng 1/2019 và 2 doanh nghiệp cấp lại theo quy định chuyển tiếp là dự án casino khách sạn Hồng Vận (Quảng Ninh) và dự án casino Nam Hội An (Quảng Nam).

Về kết quả hoạt động casino, doanh thu của 8 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ghi nhận tăng trưởng mạnh những năm gần đây.

 

Cụ thể, năm 2017 doanh thu từ casino của nhóm doanh nghiệp này đạt 1.190 tỷ đồng, nộp NSNN 645 tỷ đồng.

Doanh thu và số nộp ngân sách tăng nhanh trong những năm sau đó, đạt 1.560 tỷ đồng doanh thu năm 2018, tăng 31%, số nộp NSNN là 898 tỷ đồng, tăng 39%.

Đến năm 2019, doanh thu từ casino đã đạt 2.500 tỷ, tăng 60% so với năm liền trước, số nộp NSNN đạt 1.340 tỷ, tăng 49%. Như vậy cả doanh thu và số tiền nộp ngân sách của các casino đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm.

Về việc thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino, đối với 2 dự án tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã được Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương thí điểm, hiện dự án tại Phú Quốc đã đi vào hoạt động từ tháng 1/2019.

Kết quả kinh doanh đến ngày 31/12/2019 của casino này ghi nhận 105.220 lượt khách vào chơi casino, trong đó người Việt Nam là 47.416 lượt, chiếm 45%, người nước ngoài là 57.804 lượt, chiếm tỷ lệ 55%.

Lũy kế tổng doanh thu hoạt động casino tại đây trong năm 2019 đạt 1.433 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh casino có thuế là 1.381 tỷ, doanh thu, thu nhập khác đạt 44,2 tỷ và doanh thu tài chính đạt 8,2 tỷ đồng.

Chi phí trả thưởng trong năm 2019 của casino này là 324 tỷ và số thuế đã nộp ngân sách là 521 tỷ đồng, bao gồm cả tiền vé bán cho người Việt vào chơi.

Kết quả, casino này ghi nhận 284,3 tỷ đồng lợi nhuận chưa bao gồm chi phí lãi và chi phí khấu hao phân bổ cho hoạt động kinh doanh casino.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2019 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc (chủ đầu tư casino Phú Quốc cho người Việt vào chơi) lại ghi nhận khoản lỗ 2.529 tỷ đồng (bao gồm kinh doanh casino và các hoạt động khác).

TRẢI QUA 25 NĂM THĂNG TRẦM, BẤT ĐỘNG SẢN VẪN LÀ KÊNH ĐẦU TƯ AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ

Thị trường bất động sản Việt Nam đã có 25 năm đối mặt với nhiều thăng trầm cùng nền kinh tế vĩ mô, mới đây nhất là tác động của Covid-19. Song vẫn có nhiều yếu tố khẳng định bất động sản là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.

Nhìn lại chặng đường lịch sử kể từ giữa thập niên 90, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những giai đoạn tăng trưởng nóng, theo sau là thời kỳ suy giảm và đóng băng, tiếp đó là hồi phục trở lại một cách rực rỡ. Song đến nửa đầu năm 2020, thị trường chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Có thể thấy, bức tranh thị trường bất động sản trong 25 năm qua có không ít thăng trầm cùng sự phát triển của cả nền kinh tế Việt Nam.

Giai đoạn 1995 – 1998: Năm 1995 đánh dấu cột mốc phát triển đặc biệt quan trọng khi cùng lúc Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và gia nhập vào cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN). Thời kỳ này được coi là giai đoạn phát triển thành công của Việt Nam. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đã tạo ra những bước tiến vượt bậc, làm thay đổi cả nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế trên 9%, tương ứng với chỉ số GDP bình quân đầu người đạt mức 277 USD (năm 1995) và 324 USD (năm 1996). Lạm phát được kiểm soát từ mức hai chữ số (12,7%) vào năm 1995 xuống mức 4,5% vào năm 1996 và 3,6% năm 1997. Đây cũng chính là khoảng thời gian cực thịnh của bất động sản nước nhà, GDP tăng trưởng mạnh khiến người dân tin vào tương lai sáng lạn của nền kinh tế đã thúc đẩy giá nhà đất tăng mạnh.

Do bắt đầu mở cửa hội nhập, cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ xảy ra năm 1997 – 1998 ở khu vực châu Á cũng có tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế đến năm 1998 chỉ ở mức 5,76%, trong khi đó lạm phát năm 1998 lên mức 9,2%. Tuy nhiên, do độ mở cửa chưa cao và có sự chủ động ứng phó từ trong nước nên Việt Nam không bị cuốn vào vòng xoáy mà còn vượt qua được cuộc khủng hoảng này.

Giai đoạn 1998 – 2008: Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đánh dấu việc Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế, đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ (năm 2001) và Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2006). Việt Nam thời điểm đó được ví như “con hổ” kinh tế trong tương lai gần, với chỉ số GDP bình quân đầu người đạt mức 396 USD vào năm 2000.

Theo dòng chảy của nền kinh tế và những chính sách vĩ mô của Chính phủ, thị trường bất động sản cũng trải qua nhiều thăng trầm: Bắt đầu chuyển mình vào năm 2000 và bùng nổ vào giai đoạn 2001 – 2002 với tăng trưởng GDP lần lượt đạt 6,79% năm 2000; 6,89% năm 2001 và đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất vào các năm 2004 và 2007 với bình quân GDP tăng trưởng 8,23%. Có được kết quả này là nhờ vào những tín hiệu khả quan của nền kinh tế thế giới, sự kỳ vọng vào chu kỳ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và dòng vốn nước ngoài liên tục rót vào thị trường.

Các chính sách của Nhà nước cũng góp phần thúc đẩy thị trường và thổi bùng cơn sốt giá. Giá cả và giao dịch trong những năm này đều tăng cao trong khi bất động sản trở thành kênh đầu tư thu hút rất nhiều tầng lớp tham gia. Với 2 cơn sốt nhà đất vào các năm 2001 – 2003 và 2007 – 2008, giá nhà đất tăng lên nhiều lần, hoàn toàn vượt khỏi tầm với của những người có thu nhập từ thấp đến trung bình tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.

Thị trường bất động sản Phú Yên.

Giai đoạn 2008 – 2018: Chu kỳ suy thoái và vực dậy của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xảy ra một lần nữa trong giai đoạn 10 năm này. Giữa năm 2008, chu kỳ kinh tế lao dốc bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo theo đó là chu kỳ thoái trào của thị trường bất động sản. Ở Việt Nam, nhà đất sụt giá, ước tính giảm 30 – 40% chỉ trong thời gian ngắn. Tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Nợ xấu của nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ tăng vọt. Lạm phát thực sự bùng nổ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt các chính sách tiền tệ.

Kể từ năm 2012, cơ quan quản lý Nhà nước đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách và các gói kích cầu kinh tế nhằm thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Kết quả là, thị trường bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Việc khối doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ được giảm nghĩa vụ tài chính cùng với gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được đưa ra đã từng bước giúp thị trường bất động sản Việt Nam dần phục hồi, dù tồn kho bất động sản vẫn còn nhiều và chưa được giải quyết hết.

Thị trường lúc này đã “ấm dần”, “tan băng”, có xu hướng đi lên tương đối mạnh mẽ. Đồng thời, những người quan tâm đến bất động sản cũng chứng kiến sự bùng nổ ở các phân khúc bất động sản cao cấp và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ấn tượng nhất là phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ngôi nhà thứ hai, tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho các tỉnh thành có vị trí địa lý và thiên nhiên ưu đãi như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Giai đoạn 2018 đến nay: Số liệu mới nhất của World Bank cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng tốc trên nền tảng mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước và sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn ở mức cao trong hai năm trở lại đây. Số liệu sơ bộ cho thấy GDP thực tăng khoảng 7% trong năm 2019, gần với tỷ lệ tăng trưởng năm 2018 và Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực.

Ông Neil MacGregor – Tổng giám đốc Savills Việt Nam.

Do hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tác động y tế của dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác, nhờ có các biện pháp đối phó chủ động ở cả các cấp trung ương và địa phương. Trong khi kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP ước đạt 3,8% trong quý đầu năm 2020, tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra là khó dự đoán, tùy thuộc vào quy mô và thời gian kéo dài của dịch bệnh.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù con số này thấp hơn 0,7% so với dự báo hồi tháng 4 của ADB, song đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất được kỳ vọng tại Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 3,0%, đồng thời kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng và sẽ có tốc độ tăng trưởng 6,8% vào năm 2021.

Là người đã chứng kiến và trải qua tất cả những thăng trầm và phát triển của thị trường, giữa giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung trong tâm dịch Covid-19, tôi vẫn luôn có cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào sự vực dậy của bất động sản.

Thực tế 25 năm vừa qua đã chứng minh cho việc, ngay trong thời gian khủng hoảng kinh tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm số ít các nước duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao. Có thể khẳng định rằng bên cạnh đầu tư vàng, bất động sản đã, đang và sẽ là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả nhất.

Covid-19 sẽ còn kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 – 2022, nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong thời gian gần đây. Đây sẽ là một công cụ hỗ trợ, một đòn bẩy đắc lực không chỉ cho các doanh nghiệp đang gặp khó trong lĩnh vực bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Chuẩn bị xây dựng đập ngăn mặn trên Sông Cái

Theo lãnh đạo Ban quản lý (BQL) dự án phát triển tỉnh, hiện nay, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đã được Trung ương cấp vốn để khởi công xây dựng. Ban đang thực hiện các thủ tục đấu thầu để khởi công vào ngày 25-9.

Dự án nhiều kỳ vọng

Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2008, nhưng do không bố trí được vốn nên đến nay vẫn chưa được khởi công xây dựng. Mới đây, dự án đã được Trung ương cấp 212 tỷ đồng từ nguốn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020. Tổng vốn đầu tư dự án là 759,5 tỷ đồng, gồm nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh.
Lãnh đạo BQL dự án phát triển tỉnh cho biết, từ trước đến nay, việc ngăn chặn xâm nhập mặn từ biển vào dòng sông Cái được thực hiện bằng đập ngăn mặn tạm tại cầu Vĩnh Phương. Đập này được làm bằng các rọ đá xếp chồng lên nhau, xây dựng tạm bợ nên thường xuyên phải gia cố và không đảm bảo nhiệm vụ đề ra. Vào mỗi mùa khô hạn, sông Cái bị xâm nhập mặn nghiêm trọng do nước từ biển tràn lên, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cũng như tiêu thoát cho địa bàn huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang. Chính vì vậy, công trình Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được nhân dân và chính quyền kỳ vọng rất nhiều.

Ông Châu Ngô Anh Nhân – Giám đốc BQL dự án phát triển tỉnh cho biết, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang có mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đảm bảo mặt cắt thoát lũ vào mùa mưa theo hiện trạng; đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 dân TP. Nha Trang, một phần huyện Diên Khánh; nước cho hoạt động du lịch; đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ 2.000ha sản xuất nông nghiệp 2 bên bờ sông và nước sản xuất cho Nhà máy Sợi Nha Trang. Ngoài ra, dự án còn kết hợp giao thông qua sông Cái theo đường vành đai 2, cải thiện điều kiện giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho TP. Nha Trang. Dự án sẽ góp phần quan trọng để giữ mực nước, cải tạo môi trường sinh thái và phục vụ giao thông đường thủy, phát triển du lịch dọc sông Cái; điều tiết một phần dòng chảy sang phía sông Tắc, sông Quán Trường để cải tạo môi trường đô thị cho phía tây và nam thành phố.

Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa
Theo lãnh đạo BQL dự án phát triển tỉnh, dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang được xây dựng cách cầu đường sắt 75m về phía hạ lưu, nối khu dân cư hiện hữu thuộc phường Ngọc Hiệp qua đường Ngô Đến. Đây là công trình đa mục tiêu, gồm: Xây dựng đập ngăn mặn dạng đập trụ đỡ, đóng mở bằng cửa van clape trục dưới, có âu thuyền, phía trên bố trí cầu giao thông. Cụ thể, đập gồm 5 khoang, mỗi khoang rộng 30m, kết cấu bằng thép không gỉ, đóng mở bằng xi lanh thủy lực; dầm đỡ van được bố trí nối giữa 2 trụ pin, trụ pin được xử lý nền cọc khoan nhồi; xử lý chống thấm dưới đáy sông bằng cừ ván thép dài 12 đến 15m; đáy sông thượng lưu và hạ lưu được gia cố bằng rọ đá dày 50cm.

Một công trình quan trọng của dự án này là âu thuyền được bố trí ở bờ hữu, kết cấu bê tông cốt thép có chiều dài 67m, chiều ngang 7m. Cửa van 2 đầu âu thuyền là loại cửa phẳng trục đứng, đóng mở bằng xilanh thủy lực. Cầu giao thông trên đập gồm 10 nhịp, mỗi nhịp dài 33m, khổ rộng 26m, được thiết kế 2 chiều, có tổng chiều dài 400m bao gồm cả đường dẫn 2 đầu cầu.

Ông Châu Ngô Anh Nhân cho biết, BQL dự án phát triển tỉnh đang thực hiện các thủ tục đấu thầu theo quy định để kịp thời khởi công vào ngày 25-9. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. “Dự kiến cuối năm 2022, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, sau đó sẽ tháo dỡ đập ngăn mặn tạm ở cầu Vĩnh Phương. BQL đang xác minh nguồn gốc đất để trình phương án bồi thường đối với 33 thửa đất phải thu hồi; có 11 hộ phải tái định cư, dự kiến đưa về Khu tái định cư Ngọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang”, ông Nhân nói.

Theo Baokhanhhoa.

Đường sắt Nha Trang – Sài Gòn được chi 1.850 tỷ đồng nâng cấp

Bộ Giao thông Vận Tải vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đường sắt đoạn Nha Trang-Sài Gòn với tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án Đường sắt được giao triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Hiện Ban Quản lý dự án Đường sắt đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Dự kiến cơ quan này sẽ hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ Giao thông Vận Tải vào tháng 9/2019, phê duyệt dự án trong tháng 10/2019, bắt đầu thi công từ tháng 4/2020 và hoàn thành trong năm 2021.

Được biết, dự án này nằm trong 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Trước đó ngành Đường sắt đề xuất dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang – Sài Gòn bao gồm nâng cấp cải tạo tuyến 173,2km; Mở thêm đường số 3 tại 2 ga; Kéo dài đường ga tại 9 ga; Mở mới 3 ga;… Sau khi hoàn thành dự án, sẽ tăng năng lực thông qua từ 19 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên xấp xỉ 23-25 đôi; Nâng cao tốc độ chạy tàu, tổng thời gian dự kiến rút ngắn 60 phút so với hiện tại.

Theo Cafeland.

Hơn 1000 căn hộ ì ạch suốt nhiều năm tại dự án HQC Nha Trang

HQC Nha Trang là dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn nhất tại tỉnh Khánh Hòa với hơn 1.000 căn hộ. Theo kế hoạch, dự án sẽ bàn giao nhà cho khách hàng từ năm 2016 nhưng đến nay chỉ mới một phần nhỏ người mua được nhận nhà.


HQC Nha Trang là dự án nhà ở xã hội tai tiếng suốt nhiều năm qua bởi liên tục chậm bàn giao nhà, chủ đầu tư nhiều lần hứa hẹn nhưng không thể thực hiện được.
Dự án tọa lạc tại phường Bắc Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang do Công ty CP tư vấn thương mại, dịch vụ địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được ví như “ông vua” nhà ở xã hội khi đã và đang thực hiện hàng loạt dự án ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Dự án HQC Nha Trang được khởi công vào tháng 4/2015 trên diện tích hơn 10.800 m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỉ đồng. Dự án bao gồm các khối nhà A1, A2, B1, B2, cao 15 tầng và 18 tầng (không tính tầng lửng, tầng kỹ thuật áp mái và tầng hầm chung) với quy mô 1.002 căn hộ, trong đó có 819 căn nhà ở xã hội, 183 căn nhà ở thương mại.
Theo cam kết, người mua sẽ được chủ đầu tư bàn giao nhà chậm nhất vào quý 4/2016. Tuy nhiên, cam kết này đã không được thực hiện. Dự án thi công ì ạch và liên tục trễ hẹn bàn giao nhà.


Trong suốt những năm qua, hàng trăm khách hàng đã nhiều lần đội đơn cầu cứu, tập trung căng băng rôn tại dự án, thậm chí kéo lên đến UBND tỉnh để yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án bàn giao nhà. Những người mua phần lớn đều vay gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng trước đây song tiến độ dự án ì ạch đã ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hộ.
UBND tỉnh Khánh Hoà cũng đã nhiều lần đôn đốc tiến độ, kể cả xử phạt chủ đầu tư hàng trăm triệu đồng vì để dự án đình trệ, nhưng lần này đến lần khác dự án tai tiếng này vẫn chưa thể bàn giao toàn bộ cho cư dân.
Sau 4 năm với gần chục lần thất hứa thì đầu năm 2020, Công ty Hoàng Quân mới bàn giao được khối nhà B2 với 286 căn hộ cho khách hàng. Thế nhưng, vừa nhận nhà khách hàng đã phải ca thán về chất lượng căn hộ xuống cấp, bồn nước hư hỏng.
Ghi nhận thực tế giữa tháng 6/2020, hai tòa tháp của HQC Hoàng Quân đã bàn giao và có người dân vào ở. Hai tòa còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện chưa bàn giao cho người mua. Đường xá bao quanh dự án vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Mới đây, nhiều khách hàng lại tập trung ở dự án để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao nhà. CafeLand đã liên hệ với chủ đầu tư Hoàng Quân để tìm hiểu thời gian chính xác sẽ bàn giao toàn bộ dự án này cho khách hàng song đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ chủ đầu tư.

Theo Cafeland.

Có thêm 700 căn nhà ở xã hội tại Nha Trang Khánh Hòa

Ngày 16/8 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã tổ chức khánh thành và gắn biển công trình CT2 thuộc dự án nhà ở xã hội NOXH-01, bao gồm 700 căn hộ.

Đây là dự án thành phần trong tổng thể Khu đô thị mới Phước Long, thành phố Nha Trang do đơn vị thành viên của Tổng công ty HUD là Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang làm chủ đầu tư.

Dự án NOXH-01 tại Khu đô thị mới Phước Long được khởi công vào tháng 02/2017, đến nay, dự án đã hoàn thành toàn bộ. Dự án là tổ hợp của ba khối chung cư 10 tầng với tổng diện sàn hơn 65.000m2 trên tổng diện tích khu đất 17.896 m2 với tổng số 700 căn hộ.

Được biết, sau dự án NOXH-01, HUD Nha Trang tiếp tục khởi công xây dựng dự án NOXH-02 cũng tại khu đô thị mới Phước Long với quy mô 260 căn hộ dành cho các đối tượng chính sách xã hội về nhà ở tại Nha Trang.

Theo HUD, đến nay doanh nghiệp này đã triển khai và hoàn thành khoảng 250.000m2 với hơn 3.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Trong giai đoạn 2020-2025, Tổng công ty đặt mục tiêu triển khai khoảng 750.000 m2 tương đương với hơn 8.000 căn hộ nhà ở xã hội, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội HUD đã và sẽ triển khai cán mốc khoảng 1 triệu m2.

Theo Cafeland.