Tình hình bất động sản ở các đặc khu kinh tế tương lai thế nào?
Theo Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá đất tại Vân Đồn hiện tăng 5 – 6 lần so với giai đoạn năm 2016 – 2017; giá đất Phú Quốc tăng gấp 10 lần giai đoạn 2013 – 2014…
Đất Vân Đồn tăng giá gấp 5 – 6 lần
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, các khu vực sắp tới sẽ trở thành đặc khu kinh tế có diễn biến thị trường BĐS khá sôi động.
Ở phía Bắc, tại Vân Đồn (Quảng Ninh) hiện có hơn 10 dự án quy mô đã đăng ký và đang triển khai đầu tư. Tuy thị trường nhà đất Vân Đồn có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng do chưa có quy hoạch chi tiết nên còn tồn tại nhiều rủi ro khi gặp đất quy hoạch giao thông, công cộng.
Trong khi đó, hiện khu vực vẫn chưa phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên giá đất thực sự chưa cao, hiện chỉ tăng do thông tin sắp đầu tư “đặc khu kinh tế”. Hội Môi giới BĐS nhận định, thông tin này chỉ có thể tác động dẫn đến tăng giá 10 – 20% so với năm 2016 – 2017, nhưng thực tế giá đất tại Vân Đồn đã bị cò đất “thổi” lên mức tăng gấp 5 – 6 lần.
Tình trạng sốt đất ảo tại Vân Đồn tạo ra một thị trường xuất hiện “bong bóng” BĐS cục bộ, giá đất tăng từ vài triệu lên vài chục triệu mỗi m2, trung tâm tư vấn đất đai mọc lên san sát và người người đua nhau trở thành cò đất…
Tỉnh Quảng Ninh nói chung có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó đặc biệt phải kể đến Vịnh Hạ Long, đây là cơ sở để phát triển BĐS nghỉ dưỡng – trong đó có loại hình condotel. Tuy chỉ mới xuất hiện nhưng condotel đang trở thành xu hướng đầu tưu BĐS mới tại Quảng Ninh. Năm 2017, tỉnh có 1.336 căn condotel mới mở bán với mức giá trung bình, thuộc hai dự án của FLC và BIM Group.
Giá nhà đất ở Phú Quốc tăng gấp 10 lần giai đoạn 2013 – 2014
Còn ở phía Nam, “Đặc khu tương lai” – huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) là một vùng du lịch nổi tiếng, có khí hậu đẹp quanh năm và nhiều điều kiện ưu đãi khác nên cũng đã thu hút đầu tư rất mạnh trong khoảng 5 năm trở lại, kéo theo sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và dòng người từ các tỉnh thành cả nước kéo về đây sinh sống làm việc. Đặc biệt, lượng khách quốc tế và trong nước tới Phú Quốc cũng tăng lên hàng chục triệu lượt mỗi năm, tạo nên thị trường BĐS phát triển rất nóng và sôi động.
Chính quyền thậm chí đã quy hoạch riêng biệt khu vực thị trấn Dương Đông thành đô thị dân cư. Năm 2017, thị trấn Dương Đông ghi nhận sức nóng của các giao dịch mua bán nhà đất. Theo điều tra tại hai phòng công chứng và Văn phòng Giao dịch đất đai huyện đảo Phú Quốc, có khoảng 3.000 – 3.500 giao dịch mua bán nhà đất thành công mỗi tháng tại thị trấn này trong năm 2017, khiến tổng lượng giao dịch tăng khoảng 30% so với năm 2016.
Giá đất tại Phú Quốc cũng tăng khoảng 35% so với năm 2016 và khoảng 10 lần so với giai đoạn năm 2013 – 2014. Giá đất tại các mặt đường, phố của thị trấn đều đạt ngưỡng 80 – 100 triệu đồng/m2.
Chính quyền huyện đảo này cũng quy hoạch riêng khu vực (Bãi Trường) rộng lớn để đầu tư phát triển các dự án BĐS nghỉ dưỡng nhằm phát triển Phú Quốc thành điểm đến của cả khách du lịch trong nước, quốc tế cũng như các nhà đầu tư.
Báo cáo ghi nhận các dự án condotel tại Phú Quốc đều thuộc các chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng lớn như Sun Group (dự án Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay), BIM Group (dự án Intercontinental Phú Quốc), LDG Group (dự án Grand World). Tổng nguồn cung condotel trong năm 2017 là gần 1.100 căn condotel và dự kiến còn tăng trong các năm tới, giá bán trung bình dao động trong khoảng từ 45 – 90 triệu đồng/m2.
Đất nền Nha Trang tăng giá gần 100% so với năm 2016
Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam không có thông tin riêng về khu vực Bắc Vân Phong (thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) – “đặc khu kinh tế” còn lại, nhưng có nhắc đến thị trường nhà đất tại Nha Trang – dải đất liền gần nhất với Khu kinh tế Vân Phong (cách 30 km).
Tại đây phát triển nhiều dự án nhà ở với các dòng sản phẩm chủ yếu là đất nền, nhà liền kề và một số dự án căn hộ chung cư; sức hấp thụ lên đến 80 – 85% ở hầu hết các dự án. Do quy hoạch thành phố phát triển mạnh về phía Tây và một số khu phía Bắc thành phố nên các dự án mới tại đây ra hàng rất rầm rộ trong năm 2017, giá giao dịch cũng biến động.
Cụ thể, hoạt động giao dịch đất nền khá sôi động, phần lớn các dự án hết hàng nhanh ngay sau khi mở bán, giá tăng khoảng gần 100% so với cùng lỳ năm 2016 và tăng khoảng 40 – 50% so với 6 tháng đầu năm 2017. Mức tăng giá tùy vị trí, chủ yếu ở phía Tây và một phần phía Bắc thành phố Nha Trang với số lượng khoảng 20 dự án, giá trung bình là 10 – 16 triệu đồng/m2.
Ở trung tâm và khu Tây thành phố có tổng cộng 10 dự án chung cư với lượng cung khoảng hơn 2.000 căn hộ, mức giá vào khoảng 15 – 17 triệu đồng/m2 và đều có tỷ lệ hấp thụ cao.
Trong khi phân khúc nhà phố trung tâm ít giao dịch nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ, có nơi tăng 70 – 100 triệu đồng/m2; nhà ở trong hẻm có giá phổ biến là 70 – 100 triệu đồng/m2.
Về phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, theo số liệu của Tổng cục du lịch, năm 2017 Khánh Hòa thu hút được 6,6 triệu lượt khách du lịch bởi lợi thế về điều kiện tự nhiên và văn hóa, đây tiếp tục là động lực thúc đẩy BĐS nghỉ dưỡng phát triển, đặc biệt là loại hình condotel. Năm 2017, nguồn cung condotel Khánh Hòa đạt 11.872 căn.
Thị trường Khánh Hòa có khoảng 7.198 giao dịch BĐS nghỉ dưỡng trong năm 2017, trong đó phân khúc condotel gần như chững lại do nguồn cung quá nhiều tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các chủ đầu tư mà mức giá vẫn tương đối cao. Khách hàng mua BĐS ở Nha Trang chủ yếu đến từ Hà Nội (chiếm khoảng 50%), từ TP HCM, Việt kiều, người nước ngoài và dân địa phương (chiếm 50% còn lại).
Nguồn: Sưu tầm
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!