Những “siêu dự án” LNG tỷ đô sẽ được khởi công năm 2021

Với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD và quy mô hàng nghìn MW, các dự án điện khí này kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội; tạo nhiều việc làm cho doanh nghiệp và người dân địa phương cũng như đóng góp quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Bạn đọc quan tâm:

LNG Chân Mây

Với tổng mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD, dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây có công suất 4.000MW dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý I/2021 và đóng điện thương mại giai đoạn 1 vào năm 2024.

Dự án sẽ được đầu tư dưới hình thức đầu tư tư nhân (IPP) với vốn sở hữu 60% Hoa Kỳ, 40% Việt Nam. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh.

Đồng hành cùng dự án là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho các dự án đầu tư tư nhân của công dân Mỹ ở nước ngoài, cùng các đối tác về tài chính, công nghệ, vận hành, cung cấp khí cũng như quản trị doanh nghiệp: U.S Development Finance Corporation, U.S Asia EDGE, U.S EXIM Bank, GE Gas Power, Black & Veatch, Baker McKenzie, E&Y, McKinsey, ERM.

Ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã đề xuất Chính phủ bổ sung dự án này vào Quy hoạch điện VII. Theo ông Định, dự án điện khí được triển khai tại khu vực này sẽ tạo ra sự phát triển đột phá cho Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nói riêng, tạo ra động lực tăng trưởng cho cả Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng nói chung.

LNG Cà Ná

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có Quyết định số 2162/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW thực hiện tại xã Phước Diêm (Thuận Nam), với tổng vốn đầu tư dự án khoảng hơn 49.000 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư dự án này gồm 4 hạng mục chính:

– Xây dựng 1 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW;

– Xây dựng hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu gồm xây dựng cảng nhập LNG; kho chứa LNG; kho tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1;

– Thi công hệ thống truyền tải điện đảm bảo truyền tải công suất toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000 MW, giai đoạn 1 đầu tư các ngăn lộ phục vụ nhà máy công suất 1.500 MW;

– Xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000 MW.

Dự kiến tiến độ đầu tư dự án hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý III/2021. Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG tại các Trung tâm điện khí LNG Cà Ná. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công thương tại văn bản số 2380/BCT-ĐL (ngày 1/4/2020) về việc bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận và Trung tâm điện lực LNG Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

LNG Bạc Liêu

Ngày 12/10/2020, UBND tỉnh Bạc Liêu và các đối tác đầu tư xây dựng ký kết bản ghi nhớ dự án Nhà máy nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) 3.200MW.

Tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình) với diện tích 40ha; tổ hợp kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu (diện tích 100ha), cách vị trí nhà máy điện 35km. Công ty Delta Offshore Energy là chủ đầu tư dự án.

Theo Bản ghi nhớ, các bên cam kết dành mọi nỗ lực để phối hợp cùng các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của giai đoạn phát triển dự án trong năm 2020 theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do UBND tỉnh Bạc Liêu đã cấp cho Dự án vào tháng 1/2020.

Hiện tại, công tác thiết kế kỹ thuật (FEED) sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020, cho phép bắt đầu triển khai dự án ngay trong năm 2021 để tổ máy đầu tiên của nhà máy điện sẽ vận hành phát điện thương mại vào năm 2024.

Ngoài ra, còn nhiều dự án LNG lớn khác chưa rõ thời gian chính thức khởi công như LNG Quảng Ninh (1.500 MW, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD), LNG đảo Cái Tráp, Hải Phòng (1.600MW), Tổ hợp Nhà máy LNG của Tập đoàn Exxon Mobil, Hải Phòng (1.500 MW)…

Theo CafeF

Có thể bạn quan tâm:

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *