Làm thế nào để ghi tăng thêm diện tích đất trong sổ đỏ?
Câu hỏi liệu có thể gia tăng diện tích đất trong sổ đỏ là nỗi băn khoăn của đông đảo mọi người. Hãy cùng tìm hiểu để trả lời câu hỏi gây nhiều thắc mắc này.
Câu hỏi: Tháng 1/2018 tôi vừa hoàn thành thủ tục nhận chuyển nhượng 700m2 đất ở ngoại thành. Nhưng trong sổ đỏ chỉ ghi nhận 550m2. Mặc dù chưa 150m2 còn lại chưa có trong sổ đỏ nhưng chủ cũ có giấy tờ chứng minh số đất còn lại đó là đất trồng rau của gia đình họ trong nhiều năm. Tôi thắc mắc liệu đã nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất thì có thể sửa lại sổ đỏ để ghi nhận đủ 700m2 đất không?
Để trả lời câu hỏi này, cần theo dõi điều 99, Luật đất đai 2013: Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau:
a/ Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật Đất đai 2013.
b/ Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c/ Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
d/ Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
đ/ Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
e/ Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
g/ Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
h/ Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
i/ Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
k/ Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất”.
Như vậy, nếu chủ đất còn giữ các giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất được quy định tại điều 100 hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định điều 101 Luật đất đai 2013, bạn hoàn toàn có thể đề nghị cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất 150m2 đất còn lại; đồng thời làm các thủ tục hợp thửa đất được quy định tại điều 75 Nghị định 43/2014.
Trình tự thủ tục hợp thửa đất
Bước thứ nhất, bạn nộp hồ sơ đề nghị đến Văn phòng đăng kí đất đai thuộc UBND cấp Huyện. Hồ sơ bao gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp; Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo mẫu.
Tiếp đó, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện đo đạc địa chính, lập hồ sơ gửi cơ quan có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời tiến hành chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bạn nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Văn phòng đăng kí đất đai hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Tuy nhiên, trước khi đăng ký làm các thủ tục hợp thửa đất bạn cần chú ý:
Thứ nhất, hai mảnh đất có cùng mục đích sử dụng đất hay không? Nếu không thì bạn phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại Điều 57 Luật đất đai 2013.
Thứ hai, diện tích hợp thửa có vượt hạn mức đất đã quy định hay không? Hạn mức đất là diện tích tối đa cho người sử dụng đất được hưởng các quyền lợi hoặc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định. Ngoài hạn mức đó, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền lợi hoặc không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định. Hạn mức đất sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
–Nguồn: Sưu tầm–
- Xem thêm dự án căn hộ The Light Phú Yên