Bức tranh kinh tế Kon Tum – Những gam màu sáng
Bằng những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum, sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, trong những năm gần đây, “bức tranh kinh tế” của địa phương có được “những gam màu sáng”…
Không như ở một số tỉnh, thành phố khác có điều kiện phát triển, sau khi tái lập lại tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội ở tỉnh ta hết sức khó khăn, hơn 50% dân số nghèo đói; hệ thống giao thông thô sơ, chất lượng kém với hơn 50% số xã chưa có đường ô tô vào đến trung tâm; giáo dục, y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân,…
Riêng về kinh tế, sau khi thành lập lại tỉnh, toàn tỉnh chỉ có một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một số lâm trường, nông trường chuyên canh cà phê, lúa… thu không đủ chi. Cuộc sống của người dân và người lao động còn nhiều khó khăn.
Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, thực hiện sự nghiệp đổi mới, trong đó lấy đổi mới kinh tế là trung tâm; tỉnh đã thông qua các chương trình phát triển kinh tế như: xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức chính sách định canh định cư, di dân xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển thủy lợi, đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp (mía, cà phê, cao su…), ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Bộ mặt kinh tế của tỉnh từng bước khởi sắc.
Từ một tỉnh với hơn 50% dân số thuộc diện nghèo đói nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh ta giảm được nạn đói giáp hạt, bảo đảm an ninh lương thực, đời sống người dân và người lao động ngày càng ổn định và phát triển. Càng về sau, kinh tế của tỉnh có những bước phát triển vững chắc nhờ những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh dựa trên khai thác hiệu quả những tiềm năng thế mạnh sẵn có, vừa có những bước chuyển dịch kinh tế phù hợp với xu thế, nhu cầu của sự phát triển chung.
Kế thừa những thành tựu trong phát triển kinh tế, cùng với việc tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng các nhà máy; tái cơ cấu kinh tế; thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp; xây dựng ba vùng kinh tế động lực, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực; xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện cho người dân vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện Đề án hỗ trợ người nghèo phát triển cao su tiểu điền, Đề án hỗ phát triển cà phê xứ lạnh; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… trong những nhiệm kỳ gần đây, kinh tế tỉnh tiếp tục có những bước phát triển mới.
Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ của UBND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn năm 2016-2017 đạt 8,53% năm, ước thực hiện năm 2018 đạt 9,17%.
Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu. Tổng sản lượng lương thực năm 2018 ước đạt trên 117 nghìn tấn, đạt 77,94% kế hoạch đến năm 2020. Diện tích các cây trồng và sản lượng các sản phẩm chủ lực tiếp tục ổn định và phát triển.
Du lịch và dịch vụ du lịch có bước tăng trưởng nhanh, lượng khách tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2016-2017 đạt 20,4% năm. Ý tưởng “ba quốc gia một điểm đến” giữa Việt Nam – Lào – Campuchia được ký kết triển khai. Các tuyến, tour du lịch được mở rộng kết nối với các tỉnh, thành phố ngày càng nhiều hơn trước. Khu du lịch sinh thái Măng Đen với nhiều điểm du lịch thu hút nhiều du khách khách tham quan, trải nghiệm…
Khu du lịch Măng Đen thu hút khách du lịch.
Bằng việc lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án như chương trình hỗ trợ giống cà phê lai đa dòng có năng suất, chất lượng cao để trồng và tái canh cà phê; chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất… nâng diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2017 lên 17.952ha, dự kiến cuối năm 2018 lên 18.990ha cà phê và ước sản lượng cà phê thu được trên 43 nghìn tấn (tăng 7,4 nghìn tấn so với năm 2015). Diện tích cao su được tập trung phát triển trên diện tích rừng nghèo và đất lâm nghiệp; dự kiến đến cuối năm 2018, diện tích cao su đạt 74.800ha và sản lượng 59,42 nghìn tấn (tăng 13 nghìn tấn so với năm 2015). Sâm Ngọc Linh tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng phát triển; đến nay, toàn tỉnh phát triển được 329,37ha sâm Ngọc Linh.
Trong quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm của một số doanh nghiệp và hợp tác xã như cà phê bột nguyên chất Đăk Hà, Huy Hùng, Sáu Nhung; cao su Kon Tum; tinh bột sắn ViNa Kon Tum… tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen được thành lập với quy mô 175ha. Tại đây, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh triển khai nhiều mô hình sản xuất: cà chua Úc, Hà Lan, dâu tây, lan kim tuyến, sâm dây, hoa ly ly và một số loại dược liệu… thành công.
Tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp với nuôi dê sữa (tổng vốn đầu tư 5.100 tỷ đồng) bước đầu cung cấp sản phẩm sữa dê ra thị trường phục vụ khách tham quan; Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco của Tập đoàn VinGroup (tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng) đang bắt đầu triển khai thực hiện và nhiều dự án khác của các nhà đầu tư trong, ngoài nước cũng đi vào giai đoạn sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường.
Tài nguyên rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh được xác lập theo 3 loại rừng với nhiều hình thức tổ chức tham gia quản lý, sử dụng rừng khác nhau như: các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, hộ gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương. Cùng với việc thực hiện chủ trương đóng cửa rừng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tài nguyên rừng ngày càng được quản lý bảo vệ hiệu quả hơn.
Công tác xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay, toàn tỉnh có 13 xã đạt nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm 2018 có 18 xã đạt nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, kinh tế – xã hội khu vực nông thôn phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.
Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2016-2017 đạt 13,73%/năm. Một số ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển. Sản lượng các sản phẩm như cà phê bột, cà phê hòa tan, tinh bột sắn, cồn Ethanol, điện thương phẩm… địa phương sản xuất tăng đều qua các năm. Một số nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển. Các dự án thủy điện được thực hiện đảm bảo tiến độ, đến nay có 17 vị trí hoàn thành với tổng công suất 150,9 MW đạt sản lượng 600 triệu kWh/năm…
Thương mại – dịch vụ tiếp tục có những bước phát triển và ngày càng mở rộng về vùng nông thôn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng trưởng giai đoạn 2016-2017 đạt 11,4%. Xuất khẩu trực tiếp có chiều hướng gia tăng và thị trường ngày càng mở rộng. Dịch vụ tài chính – ngân hàng có thêm nhiều chi nhánh được thành lập mới, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…
Những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của tỉnh làm cho “bức tranh kinh tế” tỉnh trong những năm gần đây tiếp tục có thêm “nhiều gam màu sáng”. Những chuyển biến này đang tạo ra thế và lực cho tỉnh thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn năm 2016-2020 và đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế vượt bậc trong tương lai.
Báo Kon Tum
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!