Đơn vị nghiên cứu cho rằng có 90% căn hộ nghỉ dưỡng đã được tiêu thụ, tính đến cuối quý III/2018.
CBRE vừa công bố báo cáo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam bình quân đạt 27% trong 2 năm qua và thuộc những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á.
Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả, đơn vị này nhận định.
“Bất chấp việc nguồn cung tăng mạnh tại các phân khúc khác nhau trên cả nước, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tốt. So sánh những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á như Phuket, Thái Lan, tổng số sản phẩm của bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn thấp và tiềm năng tăng trưởng vẫn lớn”, đại diện CBRE cho hay.
Đơn vị này cung cấp số liệu cho thấy hiện 4 thị trường lớn gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc lượng cung giới thiệu ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ nghỉ dưỡng, trong đó, khoảng 90% đã tiêu thụ hết. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 5.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường, và tỷ lệ hấp thụ cũng đạt khoảng 90%. Phân khúc nghỉ dưỡng được tung ra rầm rộ và trở thành sản phẩm đầu tư làm nóng thị trường bất động sản trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Nguồn cung và tỷ lệ căn hộ khách sạn bán được, tính đến cuối quý III/2018. Nguồn: CBRE
Theo đơn vị nghiên cứu, các chương trình cam kết lợi nhuận gần đây được xem là một trong những công cụ bán hàng hiệu quả để thu hút người mua, song các chủ đầu tư cũng đang thể hiện sự cẩn trọng trong việc áp dụng các chương trình này.
Ông Robert McIntosh, Giám đốc điều hành của CBRE Hotels Châu Á-Thái Bình Dương cho biết một số tranh chấp đã xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư về hiệu quả lợi nhuận của các chương trình tương tự ở các thị trường phát triển hơn như ở Thái Lan và Australia. Theo ông, các dự án có chất lượng tốt, được xây tại vị trí phù hợp, có tiềm năng du lịch thì khả năng hút khách sẽ vẫn cao, kể cả khi không có các chương trình cam kết lợi nhuận.
Đơn vị nghiên cứu cũng đưa ra những nhận định về những thay đổi trên thị trường khi cho rằng cuộc cách mạng công nghệ số đã thay đổi cơ chế hoạt động của ngành du lịch toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Các chủ đầu tư và đơn vị quản lý khách sạn đang thay đổi cách tiếp cận với các đối tượng khách hàng trẻ – những người dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại thông minh và Internet hơn.
CBRE cho biết sức ảnh hưởng của cách mạng công nghệ số tới thị trường du lịch được thể hiện qua việc nhiều khách sạn đang tăng cường ngân sách tiếp thị qua các kênh trực tuyến hoặc sử dụng những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Các công nghệ mới như e-concierge, chatbot, robot phục vụ… cũng đang được ứng dụng nhiều hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu thay đổi liên tục của người sử dụng khách sạn.
“Cùng với đó, các đại lý đặt phòng trực tuyến (OTA) như Booking, Agoda… đang trở thành kênh đặt chỗ phổ biến cho rất nhiều du khách, trong khi các nền tảng kinh tế chia sẻ cũng đang tạo ra những chuyển biến đáng kể trong ngành du lịch của Việt Nam”, báo cáo của CBRE cho hay.
Đơn vị này dẫn chứng trường hợp của Airbnb. Theo CBRE, dù mới xuất hiện trên thị trường 10 năm trở lại đây, nền tảng này đã ghi nhận 5 triệu lượt đăng ký cho thuê trên 191 quốc gia trong khi 10 đơn vị quản lý khách sạn lớn nhất thế giới đang quản lý xấp xỉ 6,1 triệu phòng.
Dữ liệu từ AirDNA (website theo dõi hiệu quả hoạt động của Airbnb) cho thấy tính tới tháng 8/2018, Hà Nội và TP HCM ghi nhận 21.994 đăng ký cho thuê. Tuy nhiên, đơn vị này cũng nhận định, tại thị trường Việt Nam thì nền tảng này hiện chỉ cạnh tranh trực tiếp với khách sạn 3 sao hoặc thấp hơn do có sự tương đồng trong mức giá, và chưa tạo nhiều thách thức cho phân khúc 4-5 sao.
Theo: VnExpress.net
- Xem thêm dự án căn hộ The Light Phú Yên
Có thể bạn quan tâm