Thanh tra chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm về đất đai ở Khánh Hòa

Sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm về đất đai tại Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý nghiêm cựu chủ tịch, phó chủ tịch, thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan.

Bạn đọc quan tâm:

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc tỉnh Khánh Hòa chuyển đổi nhà, đất công sản sang mục đích khác nhưng không qua đấu thầu, đấu giá; giao, cho thuê đất công trái luật; không xử lý doanh nghiệp khi thực hiện dự án chậm tiến độ và có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Hàng loạt sai phạm


Theo Thanh tra Chính phủ, đối với các dự án chuyển đổi nhà, đất công sản sang mục đích khác, đơn vị này tiến hành thanh tra 32 dự án và 3 trường hợp chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác. Các dự án bị thanh tra được thực hiện từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2017.
Đối với trường hợp chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác có 3 dự án, gồm: Nhà đất 68 đường Thống Nhất, nhà đất số 1 đường Quang Trung và nhà đất 9B đường Hoàng Hoa Thám, TP Nha Trang.

3 trường hợp này, cơ quan thanh tra xác định khi giao nhà, đất cho doanh nghiệp, tỉnh Khánh Hòa không niêm yết việc bán đấu giá tài sản, nơi bán đấu giá; không thông báo công khai ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng.

Việc này vi phạm Nghị định 17/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản công, dẫn đến nguy cơ thất thu ngân sách Nhà nước.

Đối với 10 dự án có sử dụng đất thuộc diện được ưu đãi đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện tỉnh Khánh Hòa không thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Việc này vi phạm các quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2005.

Đối với 6 dự án có sử dụng đất thuộc diện không phải thực hiện đấu thầu giá quyền sử dụng đất, UBND Khánh Hòa đã không thực hiện việc đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo các quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2005 khi lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT).

Đối với 13 dự án đầu tư sử dụng nguồn gốc đất công, cơ quan thanh tra xác định UBND tỉnh Khánh Hòa khi lựa chọn nhà đầu tư, cấp GCNĐT đã không thực hiện việc đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư hoặc không thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Một dự án thuộc lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa khi lựa chọn chủ đầu tư, không thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm Điều 54 Luật Đầu tư 2005; không thực hiện việc bán đấu giá tài sản trên đất là vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước; sử dụng đất kinh doanh cà phê và 8 cửa hàng kinh doanh khác là trái mục đích sử dụng đất, vi phạm pháp luật về đất đai.

Một dự án sử dụng đất đang thuê để liên kết đầu tư nhưng không chuyển quyền sử dụng đất, đó là khu đất số 2 đường Lê Hồng Phong, phường Phước Hải, TP Nha Trang. Thanh tra Chính phủ kết luận UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép đầu tư xây dựng siêu thị là sai quy hoạch. Vì trước đó, khu đất này được quy hoạch làm trụ sở cơ quan, văn phòng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, cấp GCNĐT đầu tư cách đây cả chục năm, nhưng dự án chậm tiến độ nghiêm trọng vẫn không bị xử lý.

Một số dự án chậm tiến độ có thể kể đến như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Trần Thái được cấp GCNĐT năm 2009; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang được cấp GCNĐT năm 2008; dự án Evason Ana Mandara Cam Ranh Reort & Spa được cấp GCNĐT năm 2014…

Làm trái quy hoạch


Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ một số dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp trái với quy hoạch chung TP Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012; trái với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Trong đó, dự án Tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang (số 60 Trần Phú, TP Nha Trang) làm trái quy hoạch của Thủ tướng về quy hoạch chung TP Nha Trang.
Trước khi có dự án, khu đất rộng hơn 4.500 m2 này thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty Du lịch Khánh Hòa (công ty Nhà nước).

Sau đó, đơn vị này liên doanh góp vốn với DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên để thực hiện dự án. Đến tháng 9/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án trên.

Theo Thanh tra Chính phủ, dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao cho DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; không đấu giá tài sản trên đất.

Ngoài ra, khi thực hiện dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép điều chỉnh số tầng (45 tầng nổi + 2 tầng hầm). Sở Xây dựng sau đó cấp phép xây dựng 46 tầng nổi, 2 tầng áp mái, 2 tầng hầm là vi phạm quy hoạch chung của TP Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 (không quá 40 tầng).

Chưa hết, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một loạt dự án được tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp trái luật.

Điển hình như dự án Khu thương mại và dịch vụ khách sạn Đông Hải, ở phường Cam Thuận, TP Cam Ranh – do Công ty CP và Phát triển Đông Hải làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn nhà đầu tư nhưng không thông qua đấu thầu, trái với quy định tại Điều 54 Luật Đầu tư 2005.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty CP và Phát triển Đông Hải thuê đất thực hiện dự án là trái với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và không có trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ đầu 2011-2015 của TP Cam Ranh.

Cơ quan thanh tra còn xác định từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2017, một loạt vị trí đất công đã được UBND tỉnh Khánh Hòa bán, cho thuê hoặc cho phép liên kết, liên doanh theo hình thức chỉ định mà không bán đấu giá công khai.

Điều này đã vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; vi phạm Luật Đất đai năm 2013 và vi phạm Luật Đấu thầu 2005.

Điển hình như các khu đất thực hiện dự án: Cao ốc khách sạn – Thương mại Khatoco (số 7-9 đường Biệt Thự); dự án khách sạn Xanh Nha Trang (44 Nguyễn Thị Minh Khai); dự án khách sạn Starcity (72-71 Trần Phú)…

Kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh
Thanh tra Chính phủ xác định để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 2010 đến 2017.

Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý kỷ luật nghiêm trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa từ năm 2010 đến 2017.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị hình thức kỷ luật phù hợp đối với các phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có liên quan đến những vi phạm đã nêu trong kết luận. Đồng thời, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm và theo thẩm quyền có hình thức xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tư lợi.

Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng vượt tầng so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt nằm 2012.

Cuối năm 2019, Ban Bí thư ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với các ông: Nguyễn Chiến Thắng, Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016; Lê Đức Vinh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo Ban Bí thư, vi phạm của các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên là rất nghiêm trọng, cùng với vi phạm của các tổ chức Đảng, cá nhân đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh, để lại nhiều hệ luỵ khó khắc phục.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Sơn Hải, nguyên Phó bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (nghỉ hưu tháng 6/2019).

Riêng ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Quang đang mắc bệnh hiểm nghèo nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.

Theo Zing.vn

Thanh tra chính phủ: Khánh Hòa cấp phép cho dự án Mường Thanh Nha Trang vượt 6 tầng so với quý hoạch chung

Dự án Tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang được cấp phép xây dựng 46 tầng nổi, 2 tầng áp mái, 2 tầng hầm trong khi Quy hoạch chung không vượt quá 40 tầng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý vi phạm về số tầng xây dựng vượt quy hoạch; nếu được, Thủ tướng đồng ý cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ TP Nha Trang thì thu tiền sử dụng đất bổ sung.

Bạn đọc quan tâm:


Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự án Tổ hợp khách sạn căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang (60 Trần Phú, TP Nha Trang) có một số vi phạm, cần kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời điểm thanh tra, dự án đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Theo đó, nguồn gốc đất và tài sản trên đất do Công ty du lịch Khánh Hòa (doanh nghiệp nhà nước) quản lý, sử dụng. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2012 cho Công ty TNHH Mường Thanh Nha Trang, thuê 4.508 m2 đất.

Tuy nhiên, dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; không đấy giá tài sản trên đất. Thanh tra xác định Công ty du lịch Khánh Hòa đã cùng góp vốn với Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án (góp vốn bằng giá trị tài sản trên đất). UBND tỉnh Khánh Hòa đã điều chỉnh số tầng (45 tầng nổi, 2 tầng hầm) và Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng số tầng nổi là 46 tầng (bao gồm tầng lửng), 2 tầng áp mái, 2 tầng hầm. Điều này vi phạm quy hoạch chung xây dựng TP Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 (không vượt quá 40 tầng).

Thanh tra Chính phủ cho rằng chịu trách nhiệm về các vi phạm, sai sót trên là Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh có liên quan; Giám đốc các sở ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Xây dựng; UBND TP Nha Trang và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa có biện pháp quản lý hiệu quả việc sử dụng phần vốn có nguồn gốc là tài sản của doanh nghiệp nhà nước đã góp vốn; không để thất thoát vốn; xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi dự án có nguồn gốc trước đây do doanh nghiệp nhà nước quản lý.

Đồng thời, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý vi phạm về số tầng xây dựng vượt quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt theo quy định; nếu được, Thủ tướng đồng ý cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ TP Nha Trang thì thu tiền sử dụng đất bổ sung.

Theo CafeF.vn

Bất động sản công nghiệp: Nhà kho xây sẵn tăng nhiệt dịp cuối năm

Theo đại diện JLL Việt Nam, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với BĐS công nghiệp. Nhà kho xây sẵn cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt kho hàng gần hơn với người tiêu dùng.

Bạn đọc quan tâm:

Theo đó, lượng đơn đặt hàng online lớn tại các đô thị trước mùa lễ hội cuối năm đang thúc đẩy nhu cầu nhà kho xây sẵn tiếp tục tăng mạnh.

Theo báo cáo của JLL, dịch Covid-19 đang thay đổi thị trường, kích thương mại điện tử bùng nổ, đồng thời tạo cú hích lớn cho loại hình BĐS công nghiệp, trong đó có nhà kho, nhà xưởng xây sẵn “tăng nhiệt”.

Đặc biệt ở quý cuối năm 2020, khi mùa mua sắm và lễ hội càng đến gần, các nhà sản xuất hàng thiết yếu phải chật vật tìm nhà kho để trữ hàng, đáp ứng việc giao hàng nhanh cũng như nâng cấp chuỗi cung ứng.

Theo đại diện JLL, sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đã làm tăng cả nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đối với BĐS công nghiệp. Nhà kho xây sẵn cho phép các công ty giao đơn hàng nhanh hơn bằng cách đặt kho hàng gần hơn với người tiêu dùng. Sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp, đặc biệt là các mô hình kho bãi tăng trưởng cao nhất 10 năm.

Lượng đơn hàng online tăng cao do hạn chế di chuyển mùa dịch đã buộc các công ty thương mại điện tử phải giữ nhiều hàng hơn ở những địa điểm gần khách hàng, thúc đẩy nhu cầu kho bãi linh hoạt. JLL ghi nhận nhiều yêu cầu từ phía khách hàng thương mại điện tử lớn, với nhu cầu thuê nhà kho gần trung tâm có diện tích 10-15 hecta.

Theo JLL, nhu cầu thuê nhà kho linh hoạt sẽ giúp các nhà phân phối, đơn vị kinh doanh thương mại điện tử cần sử dụng nhiều không gian trong mùa cao điểm, để rồi những mùa thấp điểm họ có thể kiếm lợi nhuận bằng việc cho thuê. Ví dụ, công ty bán cây thông Giáng sinh chỉ nhập hàng vào mùa đông, nên nhà kho sẽ trống nhiều vào những tháng nóng. Trong khi đó, đơn vị sản xuất phụ kiện hồ bơi sẽ cần dùng khoảng diện tích trống đó cho nhu cầu mua hàng trong mùa hè.
Cùng quan điểm, tại diễn đàn mới đây, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và BĐS công nghiệp CBRE Việt Nam cho rằng, trái ngược với nguồn cung của đất công nghiệp hạn chế thì nguồn cung nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý 3/2020 lại có chiều hướng tăng trưởng.

Đơn cử như tại miền Bắc, nhà xưởng và nhà kho xây sẵn trong quý 3/2020 có khoảng 2,1 triệu m2, tăng 25,3 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực Miền Nam, diện tích nhà kho xây sẵn chiếm khoảng 2,7 triệu m2, tăng 28,2 % so với năm ngoái; nhà xưởng xây sẵn là khoảng 2,9 triệu m2, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguồn cung mới gia tăng mạnh ở các khu vực công nghiệp trọng điểm. Theo đó, giá chào thuê đất và nhà kho trong thời gian qua cũng tăng mạnh. Giá chào thuê đất đều tăng 20% – 30 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại phân khúc nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận mức giá chào thuê tăng từ 5 – 10 % ở các dự án mới. Chỉ riêng phân khúc nhà xưởng xây sẵn có giá chào thuê ổn định.

“Mức giá chào thuê ở trên là chưa bao gồm thuế VAT và phí quản lý/dịch vụ. Giá chào thuê đất công nghiệp được tính cho kỳ hạn thuê còn lại của dự án. Thông thường, kỳ hạn còn lại của dự án dao động từ 30 – 45 năm”, ông Hiếu chia sẻ.

Theo Cafebiz.vn