Diện mạo nào cho thị trường BĐS Việt Nam khi phát triển đô thị thông minh?
Được coi là xu thế phát triển tất yếu, đô thị thông minh đang từng bước xâm nhập vào Việt Nam. Bất động sản Việt Nam – một trong những lĩnh vực lớn chịu tác động trực tiếp của xu hướng này đã bước đầu có sự “cựa mình” để theo kịp xu thế.
Những quốc gia thành công với đô thị thông minh
Trên thực tế, có rất nhiều khái niệm về đô thị thông minh/thành phố thông minh được đưa ra nhưng tựu chung các định nghĩa đều nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý thành phố. Wikipedia tiếng Anh định nghĩa thành phố/đô thị thông minh là một vùng đô thị dùng các loại cảm biến điện tử thu thập dữ liệu khác nhau để cung cấp thông tin nhằm quản lý cơ sở vật chất và tài nguyên hiệu quả hơn.
Thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại, đô thị thông minh được coi là cứu cánh cho nhiều vấn nạn bất cập của các thành phố lớn như ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tắc đường, an ninh trật tự… Mô hình này đã chứng minh được tính ưu việt tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Osaka (Nhật Bản) đã ứng dụng công nghệ thông minh từ năm 2011. Công nghệ thông minh hiện diện không chỉ ở những ngôi nhà người dân sinh sống mà còn trong quá trình vận hành, quản lý thành phố thuộc các lĩnh vực giao thông, giải pháp năng lượng sạch và hệ thống quản lý năng lượng tại nhà. Nhờ sự kết hợp này mà Osaka đã giảm được 88% điện năng tiêu thụ so với nhà ở thông thường.
Đô thị thông minh được coi là cứu cánh cho nhiều vấn nạn bất cập của các thành phố lớn
Trong khi đó, Seoul sở hữu hơn 1.200 bộ dữ liệu mở, cho phép người dân cùng tham gia đưa ra các kiến nghị, các kế hoạch trực tuyến trong xây dựng và phát triển thành phố. Từ tháng 12/2015, Seoul đã thử nghiệm nhiều công nghệ IoT (Internet of Things) khác nhau. Nhờ công nghệ IoT, Seoul có thể kiểm soát số lượng du khách đi qua cảm biến gắn vào cột mốc, số lượng rác trong thùng, cập nhập tình hình các bãi gửi xe trong thành phố…
Singapore là một câu chuyện điển hình khác trong phát triển thành công đô thị thông minh. Cuối năm 2014, rất nhiều bộ cảm biến và camera đã được gắn trên đảo quốc sư tử nhằm kiểm soát độ sạch không khí, an toàn giao thông đến trật tự thành phố…
Đô thị thông minh và sự tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam
Có thể thấy, đô thị thông minh đã có quá trình phát triển dài hơi ở các quốc gia phát triển. Trong khi đó, đến cuối năm 2017, mô hình về một đô thị thông minh quy mô lớn ở Việt Nam mới chính thức được công bố. Sự kiện Tp.HCM giới thiệu đề án “Xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã gây chú ý dư luận. Quận 1, 12 và khu đô thị mới Thủ Thiêm là 3 đơn vị triển khai thí điểm đề án xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh.
Đến đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống… Theo đó, Việt Nam sẽ hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, Tp.HCM, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Như vậy, phát triển đô thị thông minh đã trở thành chiến lược quốc gia cho phát triển đô thị. Chiến lược này tất yếu tác động mạnh đến thị trường bất động sản Việt Nam.
Bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ cho biết, trước sự bùng nổ của cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của đô thị thông minh ở nhiều nước phát triển, các dự án nhà ở thông minh, các dự án xanh… sẽ là một phần của thị trường bất động sản Việt Nam trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.
Trên thực tế, thời gian gần đây, một số dự án bất động sản ở Việt Nam bước đầu ứng dụng yếu tố “smart” trong phát triển sản phẩm. Một số dự án nhà ở thông minh, công trình xanh… đã xuất hiện ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… Tuy nhiên, các dự án mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ và mới chỉ đơn thuần là tích hợp công nghệ thông tin nhằm tối ưu hóa cuộc sống của con người.
Bà Liễu Nguyễn đánh giá mô hình đô thị thông minh ở Việt Nam đang còn sơ khai, mới ở bước đầu và cần những kế hoạch cụ thể, dài hơi hơn. Đại sứ Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Mỹ chia sẻ thêm: “Một thành phố thông minh còn là nơi mà khi người dân bước vào, thành phố ấy sẽ cập nhật được những thông tin cơ bản về người đó, từ tên tuổi đến sở thích, thói quen. Việc nắm được thông tin khách hàng là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp, các chủ đầu tư hoạch định các chiến lược kinh doanh bất động sản phù hợp với thị trường. Đây là một hướng mà Việt Nam có thể xem xét trong phát triển đô thị thông minh”.
Riêng tại Tp.HCM, sự tác động của đô thị thông minh đến thị trường bất động sản đã được ông Phan Trường Sơn – Trưởng phòng Quản lý Bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM khẳng định. Ông Sơn cho biết trong đề án phát triển thị trường bất động sản trong 10-15 năm tới đã được phê duyệt, thì xu hướng xây dựng đô thị thông minh, phát triển công trình xanh… được coi là xu thế tất yếu. Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, chủ trương của thành phố khi xây dựng đô thị thông minh là lồng ghép vào chương trình chỉnh trang đô thị, cải tạo kênh rạch của thành phố.
Nguồn: batdongsan