FLC muốn xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai, ra mắt chính thức khoảng 25 dự án mới trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và đô thị phức hợp tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…

Một hợp phần dự án tại FLC Quảng Bình.

Theo thông tin mới đây từ FLC, mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2022 là gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ (chưa bao gồm các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến doanh nghiệp này là hàng không và đầu tư thi công). Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18 ngàn tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu.

ĐANG NGHIÊN CỨU, XÚC TIẾN KHOẢNG 300 DỰ ÁN

Hiện FLC đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam.

Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…Trong số này, có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn…

Một trong những định hướng chiến lược chính vẫn được doanh nghiệp này theo đuổi trong mảng bất động sản là mô hình phát triển chuỗi dự án quần thể nghỉ dưỡng kết hợp sân golf và đô thị sinh thái hiện đại. Đó là các đô thị trong lòng khu nghỉ dưỡng, đô thị trong các quần thể khách sạn cao cấp 5 sao, 6 sao…  đa tiện ích, quy mô lớn, cấu thành những “hệ sinh thái” khép kín tại những khu vực tiềm năng, chưa hoặc ít được khai thác.

Với quỹ dự án đồ sộ này, FLC dự kiến cung cấp ra thị trường hàng ngàn sản phẩm chủ lực là bất động sản đô thị và bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp như: căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề, shophouse, shopvilla… trong năm 2022.

Tại phía Bắc, Quảng Ninh là một trong những thị trường trọng điểm với gần 30 dự án đang được FLC nghiên cứu đầu tư. Bên cạnh quần thể FLC Hạ Long đã hoàn thiện và hai dự án đang được triển khai FLC Grand Villa Halong, Khu đô thị FLC Tropical City Ha Long, doanh nghiệp có kế hoạch triển khai các dự án như Khu đô thị mới Ninh Dương – Móng Cái, Khu dịch vụ thương mại Cảng Cái Rồng, Khu đô thị kết hợp dịch vụ tại phường Hồng Hải, Hồng Hà… trong năm nay.

Khu vực miền núi trung du phía Bắc được FLC khởi động từ đầu năm 2021 với việc khởi công dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp FLC Hà Giang. Và ngay đầu năm 2022 là dự án quần thể nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao FLC Phú Thọ quy mô gần 250 ha, tổng vốn các giai đoạn lên tới 10.000 tỷ.

Nhiều dự án khác quy mô khác trong khu vực như Hoà Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên… cũng đang được FLC nghiên cứu lập quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục triển khai 1 số dự án khu đô thị mới tại ngoại thành Hà Nội.

Ở thị trường miền Trung, các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định… là khu vực tập trung nguồn lực đầu tư của FLC với việc ra mắt lần lượt các dự án mới thuộc đại quần thể FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn và FLC Quảng Bình… Nhiều dự án đô thị tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi cũng đã được FLC lên kế hoạch triển khai trong năm 2022.

Quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái tại FLC Gia Lai.

Tại Tây Nguyên, ngoài dự án quần thể nghỉ dưỡng & đô thị sinh thái FLC Gia Lai quy mô quy hoạch khoảng 500 ha gây chú ý trong cuối năm 2021, FLC tiếp tục kế hoạch mở rộng thị trường với loạt dự án đô thị, tổ hợp thương mại – dịch vụ tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông…

Không chọn các thành phố đã phát triển hay đô thị vệ tinh của Tp.HCM, bước tiến đầu tiên của FLC tại thị trường phía Nam là các tỉnh Tây Nam Bộ còn dồi dào dư địa phát triển.

Bên cạnh Khu đô thị FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp) đã và đang tiến hành bàn giao theo tiến độ, FLC đã được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận đầu tư nhiều dự án nhà ở như nhà ở mật độ cao Hiệp Thành – Vĩnh Trạch Đông, nhà ở kết hợp quảng trường Vĩnh Trạch Đông và nhà ở kết hợp công viên cây xanh Vĩnh Trạch Đông. Dự kiến nhiều hạng mục của các dự án này cũng sẽ được khởi động trong năm 2022.

ĐÓN TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG

Không chỉ FLC, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng đang rục rịch kế hoạch huy động vốn và thực hiện dự án mới nhằm hoạch định chiến lược kinh doanh sau đại dịch.

Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tỉ lệ tăng trưởng GDP đạt 6 – 6,5%. Đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là một mũi đột phá chiến lược, cùng với hành lang pháp lý về bất động sản dần được tháo gỡ và nguồn vốn bất động sản dồi dào. Dự báo đây sẽ là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy thị trường bất động sản sớm lấy đà tăng trưởng trở lại, và mở ra chu kỳ bứt phá mới cho các doanh nghiệp có nền tảng ổn định.

Đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn ngày càng khan hiếm, thủ tục triển khai dự án siết chặt, những doanh nghiệp nắm giữ quỹ đất sạch lớn đồng nghĩa đón đầu cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư đang đổ mạnh vào bất động sản.

Theo nghiên cứu mới đây của Batdongsan.com.vn cùng Intuit Singapore cho thấy, xu hướng ly tâm đang ngày càng gia tăng hậu Covid 19. Sự dịch chuyển khẩu vị mua nhà khiến nhu cầu mua và đầu tư bất động sản đổ về các đô thị mới phát triển, có lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối và quỹ đất rộng để ưu tiên môi trường sống xanh, thông thoáng.

Cũng chung dòng chảy dịch chuyển này, trên thị trường đang và sẽ ghi nhận đậm dần xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng không chỉ hướng ra biển, mà những vùng rừng núi có lợi thế, có khả năng khai thác kinh doanh tốt cũng sẽ là lựa chọn an toàn cho dòng tiền của các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.