UBND tỉnh Phú Yên xác định trục đô thị ven biển là trục động lực chính với chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu – Tuy An – Tuy Hòa – Đông Hòa; kinh tế đô thị ven biển sẽ chiếm trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh, là khu vực kinh tế trọng điểm, có trình độ phát triển cao…
Tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 148/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
KINH TẾ ĐÔ THỊ VEN BIỂN PHẤN ĐẤU CHIẾM 75%
UBND tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 12 đô thị, đến năm 2030 là 18 đô thị.
Ngoài ra, đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên (thị xã Sông Cầu loại III, TP.Tuy Hòa loại II) hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị. Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị trực thuộc tỉnh đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.
Trong đó, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 – 16% vào năm 2025; 16 – 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 6 – 8m2 vào năm 2025, 8 – 10m2 vào năm 2030. Diện tích sản nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2.
Mặt khác, tỉnh cũng xác định trục đô thị ven biển là trục động lực chính với chuỗi đô thị ven biển Sông Cầu – Tuy An – Tuy Hòa – Đông Hòa; kinh tế đô thị ven biển sẽ chiếm trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh, là khu vực kinh tế trọng điểm, có trình độ phát triển cao. Đồng thời dự kiến xây dựng 1 đô thị thông minh trung tâm cấp tỉnh.
Theo UBND tỉnh, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; kiến trúc đô thị tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; phấn đấu xây dựng 1 đô thị hiện đại đạt tầm cỡ khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, giữ vai trò đầu mối kết nối phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và cả nước.
29 NHIỆM VỤ CẦN TRIỂN KHAI
Để đạt được mục tiêu, tỉnh Phú Yên đặt ra 29 nhiệm vụ. Ví như: Đến năm 2025 phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (đối với các đô thị phải lập quy hoạch phân khu) tại các đô thị hiện có và đô thị mới; Đến năm 2030, tối thiểu phủ kín quy hoạch phân khu, các khu vực trung tâm, khu vực dự kiến phát triển và khu vực dự kiến thành lập mới đơn vị hành chính đô thị (phường, thị trấn)…
Mặt khác, có kế hoạch đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, nhất là chuỗi đô thị ven biển; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả những chương trình, dự án đang thực hiện về nâng cấp, phát triển đô thị;
Phát triển các chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn đô thị theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch đô thị và quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị, các yêu cầu cụ thể tại Nghị quyết số 148/NQ-CP và Chương trình hành động số 19-CTr/TU. Trong đó, bình quân chung cả tỉnh tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 11 – 16% vào năm 2025, 16 – 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 – 8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030.
Cùng với đó, tỉnh còn giao các đơn vị liên quan thực hiện chỉ tiêu đảm bảo an sinh nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt. Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội tại đô thị phù hợp với nhu cầu xã hội, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo đúng mục đích, đáp ứng nhu cầu thực sự của các đối tượng nhà ở xã hội theo quy định. Trong đó, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 28,14m2 sàn/người (đô thị 31,81 m2 sàn/người; nông thôn 23,65 m2 sàn/người) vào năm 2025, đến năm 2030 là khoảng 31,77 m2 sàn/người (đô thị 35,92 m2 sàn/người; nông thôn 25,55 m2 sàn/người).