Khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

Hai dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc sẽ giúp phương tiện di chuyển từ TP HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ.

Ngày 12/3, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Đây là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, cách ngã ba Dầu Giây khoảng 2,7 km về phía Bắc (tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại km59+594, giao cắt quốc lộ 20 tại km69+400, thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Tuyến đường dài khoảng 59 km, quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn một là 6.619 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án Thăng Long cũng đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ kinh phí khoảng 1.300 tỷ đồng. Nếu được thông qua, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn nhà đầu tư từ quý 4 năm nay, khởi công quý 4/2022 và hoàn thành vào quý 1/2025.

Tuần qua, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây là dự án thứ hai thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.

Theo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường dài 67 km, đi qua tỉnh Đồng Nai (huyện Tân Phú) khoảng 11 km và tỉnh Lâm Đồng khoảng 56 km. Điểm đầu kết nối với dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, điểm cuối tại km126, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Dự án có quy mô nền đường rộng 22 m với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, dải an toàn, dài phân cách. Giai đoạn một đến năm 2025, đầu tư nền đường rộng 13,5 m với 2 làn xe, giai đoạn 2 sẽ mở rộng đường 22 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn một khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước và địa phương là 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 9.908 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tuyến cao tốc Dầu Giây đến Liên Khương là ước mơ của người dân tỉnh Lâm Đồng nhiều năm nay. Các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc hoàn thành sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ thay vì trên 6 giờ như hiện nay. Tuyến cao tốc cũng sẽ giảm tải cho quốc lộ 20.

Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt dài 208 km với quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030. Hiện nay, một đoạn từ Liên Khương đến thành phố Đà Lạt khoảng 19 km đã hoàn thành.

Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã giao các cơ quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo các đoạn: Dầu Giây – Tân Phú dài 60 km, Tân Phú – Bảo Lộc 67 km, Bảo Lộc – Liên Khương dài 73 km, đề xuất sử dụng một phần vốn hỗ trợ của nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tổng hợp.

TIN LIÊN QUAN

THÔNG TIN LIÊN HỆ

HOTLINE: 079 79 86 379

TIN TỨC DỰ ÁN