Tuy Vân Phong phát triển khá sôi động với những dự án tỷ đô nhưng khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Để tạo bước phát triển đột phá cho Vân Phong trong thời gian tới, tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Tạo sức bật từ bắc Vân Phong
Từ khi thành lập đến nay, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong đã thu hút được 158 dự án đầu tư mới (129 dự án trong nước và 29 dự án có vốn nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký tương đương 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 1,15 tỷ USD, trong đó có 91 dự án đã đi vào hoạt động. KKT đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% thu ngân sách trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động. Kết quả thu hút đầu tư này chủ yếu tập trung tại khu vực nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa) còn khu vực bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gần như vẫn giữ nguyên trạng, chưa khai mở được tiềm năng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, việc bắc Vân Phong còn giữ nguyên trạng chính là lợi thế rất lớn của KKT Vân Phong mà các khu vực khác không có được. Trong tương lai, bắc Vân Phong sẽ như “thỏi nam châm” thu hút các dự án lớn. Thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt vấn đề về một khu công nghiệp để các tập đoàn dịch chuyển công ty khỏi Trung Quốc. Trong đó, các tập đoàn rất quan tâm đến bắc Vân Phong. Nếu được đầu tư, khu vực bắc Vân Phong sẽ thu hút ít nhất 20.000 lao động phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và hàng trăm ngàn công nhân phục vụ sản xuất.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đánh giá: Bắc Vân Phong có rất nhiều lợi thế mà các địa phương khác không có được. Với 1.500ha, có nhiều đất còn trống sẽ thuận lợi để phát triển kinh tế. Đây chính là thế mạnh của KKT Vân Phong. “Nếu đầu tư vào Vân Phong, chúng tôi sẽ hình thành các khu vực casino, khu mua sắm, khu khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí, cơ sở thể dục – thể thao. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn thực hiện các khu dân cư và công nghiệp; cơ sở hạ tầng; sân bay quốc tế và đường bộ, cảng biển. Hiện nay, có khoảng 200 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, dự kiến sẽ thu hút khoảng 60 tỷ USD vốn đầu tư. Trong tình hình dịch bệnh, các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng năm 2021, Khánh Hòa sẽ là lá cờ đầu trong bứt phá với KKT Vân Phong”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định.
Cần những giải pháp toàn diện
Bên cạnh việc lấy bắc Vân Phong làm chủ đạo trong thu hút đầu tư, để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của KKT Vân Phong, trong thời gian tới cần có những giải pháp mang tính toàn diện. Trong đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (đơn vị ký ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh) và các đơn vị tư vấn để triển khai nội dung đã ký kết tại Bản ghi nhớ về việc hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển KKT Vân Phong. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung rà soát, xây dựng chiến lược phát triển KKT Vân Phong trong tình hình mới; tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung KKT Vân Phong có chất lượng, có tầm nhìn, có tính thực thi cao… Đồng thời, phối hợp quảng bá, xúc tiến thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cần tranh thủ tối đa mọi nguồn lực ưu tiên hỗ trợ từ Trung ương để tập trung xây dựng các công trình hạ tầng; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các cơ quan Trung ương đối với việc xây dựng, ban hành và áp dụng các chính sách phát triển đặc thù cho khu vực vịnh Vân Phong. Đưa Vân Phong trở thành khu kinh tế ven biển ưu tiên có tính chiến lược phát triển của quốc gia và khu vực. UBND tỉnh cần chủ động liên kết với các địa phương lân cận vẫn còn nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển như Phú Yên, Đắk Lắk để cùng phối hợp xây dựng chiến lược liên kết phát triển vùng. Song song các giải pháp trên, vấn đề cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.
Ông Hoàng Đình Phi – Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, bên cạnh các giải pháp để thu hút đầu tư nêu trên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của KKT Vân Phong, ban kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xem xét, ban hành nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khu vực vịnh Vân Phong, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện mục tiêu đã đề ra. Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét phân bổ tăng hợp lý nguồn vốn ngân sách đầu tư trung hạn cho tỉnh để tăng nguồn vốn bổ sung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội cho Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2020 – 2025. “Với quyết tâm và truyền thống vượt qua mọi khó khăn thách thức, sự năng động sáng tạo và trí tuệ của toàn thể cán bộ và nhân dân trong tỉnh, hy vọng trong tương lai không xa, KKT Vân Phong sẽ phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực”, ông Hoàng Đình Phi tin tưởng.
Theo Báo Khánh Hòa điện tử
Mọi thông tin chi tiết về dự án Khu đô thị Cẩm Văn xin liên hệ
PHỤ TRÁCH DỰ ÁN KHU ĐÔ THỊ CẨM VĂN