Có lẽ, tiềm năng quý giá và nổi bật nhất của Tây Nguyên chính là đất đỏ bazan. Loại đất đặc trưng đó trong suốt nhiều thập kỷ qua đem lại cho Tây Nguyên rất nhiều nguồn lợi từ các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều…Trong lòng đất bazan còn chứa một lượng quặng bauxite rất lớn mà tới đây, miền đất này sẽ tỏa sáng rực rỡ hơn bởi từ nó, bauxite được khai thác và chế biến thành alumin- một sản phẩm khởi đầu của nhôm, sẽ xuất hiện.
- Có thể bạn quan tâm: Dự án Thành phố Cà Phê
Khi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chính thức nhận nhiệm vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đã có khá nhiều ý kiến khác nhau thể hiện quan điểm liên quan đến hai dự án khai thác quặng bauxite, sản xuất alumin (ô xit nhôm để điện phân ra nhôm và ứng dụng vào các ngành công nghiệp khác) ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông). Đến nay, các dự án đó đang được triển khai. Mọi tính toán cho việc ra đời nhà máy, vận hành dây chuyền sản xuất Alumin đều được tính toán kỹ lưỡng, thi công khẩn trương và thời điểm sản phẩm ra đời của dự án Lâm Đồng đang đến gần.
Có thể nói, Chính phủ quyết định việc cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên chủ yếu là vì mục đích đánh thức tiềm năng lớn nhất, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội khu vực này. Khác với các vùng miền khác trên đất nước, ở Tây Nguyên đất đỏ bazan tràn ngập, hiện diện ở bất cứ chỗ nào và trong lòng nó ước tính có khoảng hơn 4 tỷ tấn quặng bauxite mới được khai thác một lượng rất nhỏ. Từ trước đến nay, nguồn thu chủ yếu cho nền kinh tế của tất cả các tỉnh khu vực này chủ yếu là khai thác sản phẩm từ các cây công nghiệp, lâm nghiệp. Một loạt các cây trồng như cà phê, cao su, ca cao, điều, chè… lâu nay trở thành thương hiệu quen thuộc của Tây Nguyên, là nguồn sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc ở đây. Dù vậy, muốn đẩy mạnh phát triển hơn nữa cây công nghiệp ở vùng này là nhiệm vụ không hề đơn giản. Đất đỏ ở đây có điểm yếu là rất ít giữ nước nên về mùa khô Tây Nguyên hầu như khô cạn, không có nước. Vì thế, cây trồng ở vùng này rất khó được khai thác thật hiệu quả. Và nhìn một cách toàn cục, Tây Nguyên vẫn là vùng kinh tế kém phát triển, đặc biệt là kinh tế công nghiệp. Vùng này quả là còn rất nghèo, kinh tế kém đa dạng và công nghiệp kém phát triển, có rất ít vốn liếng để “khoe”.
Hai nhà máy sản xuất Alumin, trong đó nhà máy alumin Tân Rai đang gấp rút hoàn thành các công việc cuối cùng để đưa vào hoạt động, nhà máy alumin Nhân Cơ đang khẩn trương xây dựng theo tiến độ để năm 2013 đưa vào hoạt động. Đây chính là hình ảnh khá rõ nét trên Tây Nguyên và chắc chắn là một minh chứng để khẳng định rằng vùng đất rất giàu tiềm năng này đã có đủ thời cơ để bắt đầu “thức giấc” và tiến bước trên những con đường mới. Đất đỏ bazan dành để phát triển cây công nghiệp, rất đúng! Đất đỏ bazan để phát triển kinh tế rừng và tạo ra những “lá phổi xanh” khổng lồ ở Tây Nguyên và miền Trung, cũng rất đúng! Nhưng đất đỏ bazan còn là cơ sở để phát triển công nghiệp. Chân lý này đang được chứng minh thật rõ ràng. Giữa vùng rừng núi bao la Tây Nguyên sẽ có những tổ hợp công nghiệp khá đồ sộ mọc lên, hàng năm đem lại nguồn lợi không hề nhỏ cho khu vực. Các tổ hợp công nghiệp này được xây dựng và đứng chân vững chắc ở Tây Nguyên sẽ là kết quả rất đáng ghi nhận trong việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa- hiện đại hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được Đảng và Nhà nước phát động từ nhiều năm nay.
Nguồn đất ở đây khá dồi dào, nhưng xây dựng nhà máy ở đâu để khai thác thật tốt quỹ đất nhàn rỗi hoặc đã bạc màu là điều mà các nhà làm dự án phải nghĩ tới đầu tiên. Điều này còn là tư tưởng được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới và là điều kiện bắt buộc của dự án. Tất nhiên, còn rất nhiều điều kiện khác nữa, nhưng về cơ bản, các nhà máy được xây dựng và sau này hoạt động phải thỏa mãn vấn đề ít gây ảnh hưởng nhất tới môi trường và điều kiện sống của con người ở đây. Thế rồi, Tân Rai và Nhân Cơ là những nơi khả dĩ nhất đáp ứng các điều kiện xây dựng nhà máy, đã được lựa chọn. Từ những giọt mồ hôi của công nhân, cán bộ kỹ thuật trên các công trường, giờ đây, hình hài của nhà máy Alumin Tân Rai đã khá rõ và căn cứ vào tiến độ hiện tại, cuối năm 2011 nhà máy sẽ xuất xưởng những tấn alumin đầu tiên. Còn tại nhà máy Alumin Nhân Cơ, tiến độ thi công đang được gấp rút đẩy nhanh, nền móng của nhà máy sắp được hoàn tất. Và chỉ ít tháng nữa thôi, hàng loạt thiết bị được lắp đặt sẽ khiến cho xã miền núi này như có được bệ phóng vững chắc để tiến bước vào giai đoạn đẩy mạnh CNH-HĐH.
Vậy là bóng “mây đen” bao phủ bầu trời công nghiệp của Tây Nguyên đã được xua tan. Giờ đây, vùng đất đỏ bazan lớn nhất, trù phú nhất trên đất nước ta không phải ngậm ngùi bởi “thua chị, kém em” trong phát triển công nghiệp. Đó là tất cả những gì Tây Nguyên đã đi đúng hướng để khẳng định thế mạnh và là điều vùng đất giàu tiềm năng này xứng đáng được hưởng thụ.
Theo Vinacomin.vn.
Đất Xanh Nam Trung Bộ – Công ty thành thành viên của Tập đoàn Đất Xanh.