Bình Định đảm bảo an toàn đê Đông

Nguồn: moitruong.net.vn

Hệ thống đê Đông có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, tháo lũ, hạn chế mọi rủi ro thiên tai gây ra. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn của đê Đông trước diễn biến phức tạp, khó lường trong mùa mưa bão có vai trò hết sức quan trọng.

Hệ thống đê Đông có tổng chiều dài gần 43,6 km. Điểm xuất phát từ phía Tây Cầu Đôi (thuộc phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) đi ven đầm Thị Nại qua các địa phương của huyện Tuy Phước, Phù Cát và kết thúc tại núi Cát (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn). Trên tuyến đê có 66 cống qua đê gồm 118 cửa xả và 17 tràn với 828 cửa với tổng chiều dài 2.686 m.

Đây là hệ thống đê cực kỳ quan trọng của tỉnh, có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt cho 3.600 ha đất sản xuất, tiêu úng cho hơn 5.400 ha, tháo lũ cho hơn 22.500 ha, bảo vệ trên 200 nghìn dân và nhiều tài sản khác của Nhà nước. Đồng thời, hệ thống giao thông trên đê đã tạo điều kiện để phát triển KT-XH và phục vụ cho công tác cứu hộ, sơ tán dân trong mùa mưa bão.

XEM DỰ ÁN MỚI NHẤT GẦN TẠI NHƠN BÌNH, QUY NHƠN: CHUNG CƯ VINA2 PANORAMA

    Tràn Dương Thiện (xã Phước Sơn) thường xuyên bị sụt lún do xây dựng trên nền đất yếu

    Tuy vậy, một số công trình ở hệ thống đê Đông (thuộc huyện Tuy Phước) đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, đơn cử là tràn Dương Thiện, đập Cái Sơn (thuộc xã Phước Sơn). Chủ tịch UBND xã Phước Sơn Tôn Kỳ Hải cho biết: “Tràn Dương Thiện được xây dựng trên nền đất yếu, thường xuyên bị sụt lún. Hơn nữa, một số cống trên tràn xảy ra tình trạng rò rỉ nước. Thực trạng này khiến chính quyền và người dân rất lo lắng bởi đây là khu vực xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cho cuộc sống cũng như sản xuất của rất nhiều hộ dân”.

    Tại tràn Dương Thiện, do bị sụt lún nên tuyến đường giao thông trên tràn thường xuyên bị ngập mỗi khi thủy triều lên. Hằng ngày, nhiều người dân thôn Dương Thiện và khu vực lân cận vẫn liều mình băng qua tràn bởi đi đường vòng sẽ xa hơn. Ông N. (người dân ở xóm 15, thôn Dương Thiện) nói: “Tôi quen địa hình nên hằng ngày nước có ngập cũng cố băng qua. Đi riết nên quen rồi”.

    Việc xác định rõ trọng điểm, hiện trạng các đê Đông trước, trong và sau mùa mưa, bão là hết sức quan trọng để xây dựng phương án hộ đê nhằm chủ động ứng phó, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Trên cơ sở đó, Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) đã thường xuyên duy trì công tác duy tu sửa chữa thường xuyên trên hệ thống đê Đông. Trong năm 2022, đơn vị đã triển khai sửa chữa các hạng mục như: Sửa chữa 97 cửa tràn Quy Nhơn II, sửa chữa 48 cửa tràn Cao Doan 3; bảo trì đường dây và máy biến áp cống Bà Ưa; các ty, máy vít, thiết bị đóng mở cống toàn tuyến; làm lại mới các cửa van, sửa chữa, lắp đặt mới tủ điện inox để vận hành các cống… với tổng kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng.

    Theo ông Lê Hồng Vinh, Trạm trưởng Trạm Thủy lợi Hà Thanh (đơn vị quản lýhệ thống đê Đông), đơn vị đã lên phương án phối hợp với ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các xã, phường ven hệ thống đê Đông tiến hành kiểm tra, rà soát những đoạn đê, kè, cống xung yếu và các vùng trũng thấp, nằm kề khu dân cư để thực hiện các biện pháp gia cố, sửa chữa, đề xuất phương án di dời dân cư trước lũ.

    “Chúng tôi cũng xây dựng phương án cụ thể cho từng vị trí công trình và bổ sung vật tư, vật liệu đầy đủ tập kết tại những vị trí xung yếu cần thiết, nhất là các đoạn đê có khả năng bị nước lũ tràn qua như đoạn đê trên cầu Bến Gỗ (khu phố 7, 8, phường Nhơn Bình) và các đoạn đê chưa được đầu tư tu bổ, nâng cấp như đoạn đê từ cống Đập Mới đến cống Ông Thiên, đê Huỳnh Giản…”, ông Vinh chia sẻ.

    Đối với tràn Dương Thiện, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Đắc Chương, phương án làm tràn ngăn mặn bên dưới và cầu phục vụ giao thông bên trên cũng đã được tính tới nhưng trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn eo hẹp, việc xây mới ngay lập tức là chưa thể. Với tràn này sẽ cho khắc phục các vị trí bị sụt lún để đảm bảo công năng ngăn mặn, giữ ngọt.

    “Hầu hết các vị trí xung yếu trên hệ thống đê Đông, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, khắc phục hư hỏng. Sở cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí lực lượng để vận hành; tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra an toàn toàn hệ thống đê kể cả khi không có mưa, lũ để phát hiện và xử lý sự cố theo phương châm 4 tại chỗ”, ông Chương cho biết.