UBND tỉnh Bình Định đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư 28 dự án. Các dự án này dự kiến cung cấp 24.675 căn với tổng diện tích sàn sử dụng 1,5 triệu m2, tổng diện tích đất 67,95 ha, tổng mức đầu tư 13.990 tỷ đồng…
Tỉnh Bình Định vừa báo cáo Bộ Xây dựng về các số liệu liên quan đến triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Định, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 3 dự án và một phần của 1 dự án, với 1.841 căn, tổng mức đầu tư 1.797 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng khởi công xây dựng 3 dự án và một phần của 1 dự án, với 3.586 căn, tổng diện tích sàn sử dụng là 201.555 m2, tổng diện tích đất 9,36 ha, tổng mức đầu tư 3.102 tỷ đồng.
Riêng dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Định đã đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư 28 dự án. Các dự án này dự kiến cung cấp 24.675 căn với tổng diện tích sàn sử dụng 1,5 triệu m2, tổng diện tích đất 67,95 ha, tổng mức đầu tư 13.990 tỷ đồng.
Trong đó, có các dự án như: Khu nhà ở xã hội thuộc khu vực 1, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn 1,87ha; Khu nhà ở xã hội phía Tây đường Trần Nhân Tông, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn 1,41ha; Khu nhà ở xã hội tại phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn 2ha; Nhà ở xã hội Long Vân 2,03ha; Nhà ở xã hội Vạn Phát, phường Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn 4,30ha; Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 quy mô 3,81ha; Dự án nhà ở xã hội thuộc khu đô thị Trí tuệ nhân tạo, phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn; Dự án nhà ở xã hội thuộc khu đô thị mới khu vực Chợ Góc (CG-01), phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn 4,33 ha…
Mặt khác, địa phương còn rà soát, bố trí được 22 vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội với diện tích 111,19 ha để dự kiến phát triển khoảng 16.700 căn/nhà, có tổng mức đầu tư ước tính 8.821 tỷ đồng. Các vị trí, quỹ đất này tập trung chủ yếu tại TP.Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Vân Canh, huyện Tuy Phước, huyện Tây Sơn…
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Định cho biết, bên cạnh thuận lợi thì công tác quản lý, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn hiện nay vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến việc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội; quy trình và hồ sơ vay vốn của bên cung cấp tính dụng…
Do đó, địa phương kiến nghị cần có cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp và đơn giản hóa thủ tục nhằm đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, Chính phủ xem xét có quy định cơ chế hỗ trợ, ưu đãi nhà ở xã hội hơn nữa để đảm bảo khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia, từ đó góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Đặc biệt, cần có chính sách chung nhằm đơn giản hóa quy trình vay vốn tín dụng, giảm bớt bước trung gian và thành phần hồ sơ. Hạn chế các yêu cầu bổ sung từ các ngân hàng liên quan đến việc tăng hạn mức vốn đối ứng đối với chủ dự án đã thực hiện đối ứng 20% trên tổng vốn đầu tư cho dự án theo quy định của pháp luật; không yêu cầu tài sản thế chấp bổ sung ngoài việc thế chấp chính dự án nhà ở xã hội đang được Ngân hàng tài trợ vốn vay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét việc đơn giản hoá thủ tục liên quan đến việc cho vay của các Ngân hàng thương mại tham gia Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và thủ tục liên quan đến hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.