Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo
Ngắm cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo băng qua những cánh đồng điện gió, điện mặt trời đẹp mê ly
Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, sớm hơn một tháng so với kế hoạch, sẵn sàng thông xe vào dịp 30/4.
Trên tuyến có hầm núi Vung dài 2,25km, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông. Giai đoạn 1 chỉ sử dụng nhánh hầm phải.
Hầm núi Vung thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận, được thi công theo phương pháp gia cố hầm bằng công nghệ thi công NATM. Công nghệ này được các chuyên gia đánh giá giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ đào hầm truyền thống.
Góc nhìn từ trong hầm núi Vung ở cửa Nam. Hầm núi Vung đã được Tập đoàn Đèo Cả đào thông hai hướng từ tháng 8/2023. Tại nhánh hầm phải, công tác đào đạt 100%, bê tông vỏ hầm đạt 100% và bê tông mặt đường đạt hơn 100%.
Tiếp tục đi dọc trên tuyến cao tốc, đồi núi thấp và những cánh đồng điện gió, điện mặt trời rộng thênh thang là cảnh quan chủ đạo hai bên đường cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Cam Lâm.
Ninh Thuận đã chuyển hướng chiến lược phát triển, biến bất lợi của nắng và gió, biến những vùng đất khô cằn, sỏi đá thành những trang trại điện mặt trời, điện gió tạo ra nguồn điện năng sạch. Địa phương này đang đặt mục tiêu dần trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.
Ông Đặng Tiến Thắng – Phó tổng giám đốc Công ty CP Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết: “Mặc dù cơ bản đã hoàn thiện, nhưng toàn bộ nguồn lực vẫn tập trung tối đa để tổ chức thi công, tập trung vào hạng mục thiết bị ở hầm Núi Vung, trạm thu phí và nút giao liên thông”.
Phân đoạn từ Km 92+260 – Km 54+000 do tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 phụ trách thực hiện. Trong thời gian triển khai dự án, đơn vị này cũng huy động hơn 600 kỹ sư và công nhân cùng 350 máy móc, thiết bị.
Toàn tuyến có hai nút giao liên thông gồm nút giao Du Long và nút giao Phan Rang. Nút giao Du Long là một trong những nút giao cao tốc băng ngang đường sắt và quốc lộ 1, sau hoàn thành nút giao này kết nối khu vực trung tâm hành chính huyện Thuận Bắc, Khu công nghiệp Du Long…
Ngoài ra, công trình còn có hệ thống giao thông thông minh ITS với nhiều camera quan sát và nhìn rõ các vật thể ở khoảng cách 1km, được ghi hình liên tục 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết. Thiết bị hoa gió có tác dụng đo tốc độ và hướng gió được lắp dọc hai bên trục cao tốc.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc Việt Nam, tốc độ cho phép tối đa 90km/h.
Tổng số cầu trên tuyến là 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và 01 cầu trên đường kết nối cao tốc với QL1 tại nút giao Du Long.
Chia thành 35 mũi thi công gồm: 15 mũi thi công đường, 14 mũi thi công cầu; 3 mũi thi công hệ thống ITS, 3 mũi thi công điện chiếu sáng, 5 mũi thi công hệ thống ATGT (Hàng rào, hộ lan, dải phân cách).
Điểm nhấn của đoạn này là những cây cầu vượt địa hình lớn. Trong đó, cầu số 3 (Km60) có độ tĩnh không 47,5m, là cầu cạn vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận.
Khu vực thi công cầu có địa hình rất phức tạp, núi đá cao, hẻm núi sâu. Từ tháng 4/2022, đơn vị thi công (Công ty CP Tổng công ty đầu tư xây dựng 194) mới hoàn thành phần khai phá nhiều núi đá để mở đường vận chuyển thiết bị khoan cọc nhồi hạng nặng (trên 130 tấn) vào đến vị trí cầu. Tổng số cọc nhồi thi công hơn 229 cọc.
Liên danh nhà đầu tư (Đèo Cả + 194) và doanh nghiệp dự án (Công ty CP BOT Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào 30/3/2024 (sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch).
Click here to add your own text