Đó là chỉ đạo của đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chư Sê lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) vào ngày 13-8.

    Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban Đảng tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ cùng 195 đại biểu chính thức đại diện cho 4.389 đảng viên của 51 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ.

    Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

    Nằm ở cửa ngõ phía Nam tỉnh, hội tụ khá đầy đủ các điều kiện, nguồn lực để phát triển so với các địa phương khác, Chư Sê đã phát huy thế mạnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Nhiệm kỳ qua, huyện có 29/30 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội lần thứ IX đề ra. Những kết quả đạt được là động lực để huyện tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển, xứng đáng là vùng kinh tế động lực phía Nam tỉnh.

    Tại Đại hội, đại biểu tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng đến năm 2025 được đại biểu đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được huyện chú trọng triển khai thực hiện, bước đầu đã xây dựng được một số mô hình sản xuất có năng suất cao, chất lượng tốt đem lại hiệu quả rõ rệt; từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: cao su, cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm, cây ăn quả…

    Đại biểu Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-nhận định: “Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn trong giai đoạn học hỏi, tiếp cận. Bởi vậy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Hiện tại, Chư Sê mới chỉ có khoảng 600 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao (chiếm 2,4% diện tích). Việc thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến chưa được quan tâm dẫn đến tỷ lệ thất thoát, tổn thất sau thu hoạch lớn; vấn đề về an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa được triển khai quyết liệt; việc nhân rộng kết quả ứng dụng nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế”.

    Theo đại biểu Nguyễn Văn Hợp, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện cần đẩy mạnh các giải pháp như: tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn huyện; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, từng bước hình thành thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng công tác bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp…

    Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Văn Đức-Bí thư Đảng ủy xã Ia Hlốp-cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn còn ở quy mô nhỏ, chưa đóng vai trò định hướng, tiên phong cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, theo đại biểu Nguyễn Văn Đức, cần lựa chọn một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định để đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ cao như: cây dược liệu, cây ăn quả có múi, chăn nuôi heo; thành lập nông hội, hợp tác xã và liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để cung cấp cây-con giống đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

    Về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều đại biểu cho rằng, sau 10 năm triển khai thực hiện, việc xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn huyện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đến năm 2020, toàn huyện có 11/14 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 14 làng NTM theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

    Để giữ vững các tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, đại biểu Dương Mạnh Huy-Bí thư Đảng ủy xã Bar Măih-nêu giải pháp: “Chúng ta cần thường xuyên sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, chú trọng phát huy sức mạnh sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đẩy mạnh xây dựng NTM bền vững; nâng cao, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với xây dựng NTM”.

    Phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế

    Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ghi nhận những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Chư Sê đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: “Chư Sê hội tụ khá đầy đủ về thế mạnh, tiềm năng, song trong định hướng phát triển kinh tế chưa định hình được khâu đột phá, chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp có phát triển nhưng lại không ổn định, thiếu tính bền vững. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất ở các ngành kinh tế còn thấp; việc thâm canh tăng năng suất cây trồng hiệu quả đạt được chưa cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

    Để Chư Sê phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Huyện cần định vị rõ vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phương hướng phát triển của tỉnh để cụ thể hóa thành mục tiêu, đường hướng phát triển phù hợp, vững chắc trong giai đoạn tới. Chư Sê được xác định là vùng động lực phía Nam của tỉnh, có vai trò dẫn dắt các huyện phía Nam, Đông Nam của tỉnh và vùng lân cận.

    Do đó, trên cơ sở quy hoạch chung của huyện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV của thị trấn Chư Sê, hướng đến một số tiêu chí của đô thị loại III và đầu tư mở rộng diện tích đô thị loại IV ra các xã liền kề; tập trung xây dựng các tiêu chuẩn để thành lập thị xã.

    Đặc biệt, Chư Sê cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế trong và ngoài địa bàn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế; khôi phục và phát huy nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Chư Sê” trở thành thương hiệu mạnh, đảm bảo chuẩn hóa gắn truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, lao động… để hình thành các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao một số sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và xuất khẩu. Tăng cường kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thương mại-dịch vụ, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm sản, gắn với vùng nguyên liệu trên địa bàn. Tập trung đầu tư xây dựng phát triển cụm công nghiệp của huyện, Khu Công nghiệp Nam Pleiku…

    “Chư Sê tiếp tục huy động các nguồn lực, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu để tập trung xây dựng NTM; phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt NTM nâng cao và 1 xã đạt NTM kiểu mẫu. Tập trung các nguồn lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư cho công tác giảm nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo.

    Song song với đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện, nhất là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt công tác cán bộ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển theo quy hoạch đội ngũ cán bộ kế cận, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.

    Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị: “Với phương châm “Đoàn kết-Dân chủ-Năng động-Phát triển”, tôi đề nghị Đảng bộ huyện tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được cùng những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, chỉ đạo; tranh thủ thời cơ, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X; xây dựng Chư Sê xứng tầm là vùng động lực phía Nam của tỉnh”.

    Theo tinhuygialai.org.vn

    Đất Xanh Nam Trung Bộ – Công ty thành thành viên của Tập đoàn Đất Xanh

    Download Company Profile mới nhất của Đất Xanh Nam Trung Bộ để hiểu rõ hơn về chúng tôi.

    Giấy CNĐKDN : 4201719553
    Cơ quan cấp: Sở KHĐT Tỉnh Khánh Hòa
    Địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà Sacombank, 76 Quang Trung, Lộc Thọ, Nha Trang
    Điện thoại: 0258 3813 727
    Mail: info@datxanhnamtrungbo.net
    Hotline: 090 1919 789
    Chính sách bảo mật