Savills cho rằng Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện mạng lưới công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân công, đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy bất động sản công nghiệp.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, tính đến hết tháng 9, cả nước có 374 khu công nghiệp. Trong đó, 280 khu đang hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy lên đến hơn 73%. Số còn lại đang trong quá trình xây dựng, đền bù và giải phóng mặt bằng.
Hiện nhu cầu về mặt bằng bất động sản công nghiệp đang không ngừng tăng lên. Thách thức là làm sao có thể đáp ứng được nhu cầu mặt bằng này một cách nhanh chóng.
Thị trường 9 tháng đầu năm chứng kiến một số thương vụ sát nhập quan trọng như: Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD để ra nhập thị trường Việt Nam; hay tập đoàn SLP mới đây cũng ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ doanh nghiệp nước ngoài tới. Ngoài ra, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta cũng thấp hơn mức trung bình của ASEAN. Chi phí logistics của Việt Nam năm 2019 chiếm đến 25% GDP, trong khi của Trung Quốc chỉ là 18%, Singapore là 8%. Vì vậy, theo Savills, ngoài những ưu đãi chung của Nhà nước, Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện mạng lưới công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nhân công, đồng bộ cơ sở hạ tầng.
Theo báo cáo, dự kiến, trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, đây là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.
Các chuyên gia Savills nhận định, với sự cải thiện trong chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất và sản xuất công nghiệp trong tháng 9 vừa qua, hy vọng tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục nếu Việt Nam kiểm soát số ca COVID-19 ở mức thấp.
Theo VTV.vn
Đất Xanh Nam Trung Bộ – Công ty thành thành viên của Tập đoàn Đất Xanh